Gieo trồng mùa đầu tư mới
Lần đầu tiên vào năm 2009, với sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào dịp đầu Xuân mới để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi, cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Thông qua Hội nghị này, nhiều nhà đầu tư đã ký cam kết và được cấp giấy phép, trong đó có những dự án đã trở thành điển hình về hiệu quả đầu tư tại Nghệ An như: Dự án chăn nuôi bò sữa và Nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH; Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ An...
Từ đó đến nay, các cấp lãnh đạo Nghệ An luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực đầu tư, coi thu hút đầu tư là chìa khóa để phát triển và Nghệ An vẫn duy trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân với ý nghĩa tốt đẹp đầu năm là “gieo trồng mùa đầu tư mới”.
Đặc biệt từ năm 2016 lại nay, Nghệ An liên tiếp tổ chức thành công các sự kiện xúc tiến đầu tư cả trong, ngoài tỉnh và nhiều cuộc ở nước ngoài, bằng nhiều giải pháp, nhiều kênh kêu gọi xúc tiến đầu tư như: Tổ chức xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan; Ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị WHA Hemaraj 1...
Dấu ấn thu hút đầu tư vào Nghệ An sau 10 năm, đặc biệt là từ năm 2014 lại đây là diện mạo hoàn toàn mới với nhiều dự án động lực mang lại. Hàng loạt công trình hạ tầng như hệ thống đường giao thông, sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp phát triển nhanh chóng.
Thành phố Vinh được các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ quy hoạch lại với tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, tạo tiền đề cho tương lai biến nơi đây trở thành một đô thị hiện đại, đáng sống của Việt Nam với hệ thống giao thông kết nối rộng mở xứng tầm là điều kiện tốt để các nhà đầu tư tìm về.
Nhiều dự án điểm nhấn
Đánh giá về hoạt động thu hút đầu tư, tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi tỉnh: “Một tinh thần kiến tạo, liêm chính, hành động vì phát triển của đất nước, vì phát triển của tỉnh Nghệ An, các đồng chí nghiên cứu thực hiện lan tỏa từ lời nói đến hành động với một quyết tâm rất cao”.
Nghệ An đã thu hút được những dự án lớn quan trọng làm tiền đề cho phát triển của tỉnh như dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Nhà máy Xi măng Sông Lam 1 và Sông Lam 2, Nhà máy Xi măng Tân Thắng, Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy Sữa TH, Nhà máy chế biến thực phẩm Massan, Nhà máy chế biến cá Royal Foods, Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy sản xuất MDF ở Nghĩa Đàn; các khách sạn cao cấp, dự án đô thị, bệnh viện, trung tâm thương mại lớn...
Từ năm 2014 đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút về 150 dự án với tổng vốn đầu tư 89.141 tỷ đồng. Trong đó có 55 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 42.868 tỷ đồng, chiếm 48% tổng vốn đầu tư đã đăng ký, 74 dự án với số vốn đầu tư 34.428 tỷ đồng, chiếm 39% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Riêng năm 2018, tỉnh Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 114 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 9.119 tỷ đồng.
Một số dự án lớn có thể tạo điểm nhấn trong phát triển công nghiệp như: Dự án Nhà máy bia, nước giải khát Massan tại Khu B-KCN Nam Cấm (1.661 tỷ đồng); Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (1.025 tỷ đồng); Nhà máy bánh kẹo Hải Châu II (360,3 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP (20 triệu USD); Nhà máy Em-Tech Vinh tại KCN VSIP (11,82 triệu USD)...
Thu hút đầu tư đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội Nghệ An. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 tăng 8,77%. GRDP bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 79,5%. Thu ngân sách năm 2018 đạt 13.937 tỷ đồng, đạt 109,8% dự toán và tăng 10,3% so với thực hiện năm 2017. Huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh so với các năm trước, ước đạt 70 ngàn tỷ đồng, tăng 12,9%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hiện đứng thứ 21, đứng đầu 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, là vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Quyết liệt chỉ đạo giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thu hút đầu tư của Nghệ An được triển khai mạnh mẽ nhất từ năm 2014 đến nay, đặc biệt đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và một số dự án của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thu hút đầu tư của Nghệ An được triển khai mạnh mẽ nhất từ năm 2014 đến nay, đặc biệt đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và một số dự án của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
Để đạt mục tiêu của Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 với 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, trong đó FDI khoảng 50 nghìn tỷ đồng; đến năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh đứng trong top 15 cả nước, Nghệ An đang tập trung các nhóm giải pháp trọng tâm: Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư đảm bảo thiết thực, hiệu quả, chủ động, thực chất, “chọn mặt gửi vàng” khi cấp phép đầu tư; Đơn giản, minh bạch hóa thủ tục tiếp cận đất đai; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tinh thần phục vụ nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kết nối hỗ trợ của chính quyền đối với DN và quyết liệt chỉ đạo giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn những năm tiếp theo.