(Baonghean) - Thành công của kiện tướng cờ vua Quang Liêm và tay vợt cầu lông Tiến Minh tại các giải đấu quốc tế gần đây khiến các nhà quản lý các bộ môn này khá hả hê. Nhưng để đạt đến siêu đại kiện tướng như Quang Liêm và nằm trong Top 10 tay vợt xuất sắc nhất thế giới như Tiến Minh thì vai trò của ngành thể thao khá mờ nhạt.
Con đường đi đến thành công của Quang Liêm và Tiến Minh, ngoài sự đam mê, nỗ lực hết mình của mỗi cá nhân còn phải kể đến vai trò của gia đình. Từ việc cố gắng đầu tư kinh phí, bố mẹ của các vận động viên này còn phải đồng hành cùng con mình "tầm sư học đạo" trong suốt một thời gian dài.
Quang Liêm trở thành siêu đại kiện tướng cờ vua.
Nhớ lại chuyện gia đình Tiến Minh trong 1 năm đã 4 lần tự túc kinh phí để cho Minh tập ké với đội tuyển Singapore. Rồi Tiến Minh một mình đi du đấu ở châu Âu. Chuyện cha con Lê Quang Liêm phải lo từng thủ tục, đồ ăn, thức uống để tham dự Giải Aeroflot 2011 tại Nga (giải đấu mà Quang Liêm giành ngôi vô địch). Ngay cả Giải siêu đại kiện tướng Dortmund vừa qua, Liêm cũng phải tự túc kinh phí và chỉ được sự hỗ trợ và chăm sóc của mẹ, thay vì một ê kíp trợ giúp như các vận động viên khác. Lãnh đạo bộ môn cờ vua còn cho biết: "Quang Liêm cần có một HLV ngoại giỏi hỗ trợ chuyên môn nhưng đề xuất lên lãnh đạo Tổng cục TDTT xin tiền đầu tư cho Liêm hàng chục lần, vẫn chưa được duyệt". Đây là những điều làm cho ai cũng phải suy nghĩ.
Để đạt đến đẳng cấp quốc tế và nằm trong Top đầu các môn thể thao đối với vận động viên Việt Nam là việc "hái sao trên trời". Nhờ nỗ lực cá nhân và gia đình, Quang Liêm và Tiến Minh đã làm được điều này. Nhưng đó là những gia đình có điều kiện để cho con cái họ theo đuổi đam mê, còn những tài năng khác thì sao? Chẳng lẽ ngành thể thao lại "ngồi chờ sung rụng" để khi có thành tích thì đến trao bằng khen và... vỗ tay ?!