PGS.TS Phạm Bích San chia sẻ khi bàn Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đang trong quá trình lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và giới chuyên môn.
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Phạm Bích San – chuyên gia xã hội học về vấn đề này.
PV: Dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cải cách thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, nhưng việc giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều tồn tại. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Ông Phạm Bích San: Ở đây có hai chuyện là thủ tục hành chính và cải cách thủ tục hành chính. Ở đây cũng cho thấy 2 cấp độ giải quyết vấn đề.
Cấp độ đầu tiên cho thấy cuộc sống có rất nhiều chuyện bất ngờ có thể xảy ra, trong khi đó thủ tục hành chính chỉ đề cập đến một nhóm rất nhỏ, chừng 30% những tình huống căn bản xảy ra, 70% còn lại đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt của những cán bộ hành chính. Tuy nhiên, cũng chính sự sáng tạo, linh hoạt này là mảnh đất màu mỡ nảy sinh những tùy tiện, phiền nhiễu. Bản chất câu chuyện cuộc sống có rất nhiều chuyện đòi hỏi người xử lý phải có đủ trình độ thì mới xử lý được.
Thứ hai, chúng ta nên biết thủ tục hành chính là phương tiện, thủ tục tuân thủ những định hướng hành chính lớn hơn. Nhà nước cai trị thì thủ tục hành chính sẽ khác nhà nước kiến tạo, nhà nước xây dựng.
Ví dụ, thủ tục hành chính về vấn đề khai tử đã có những cải tiến nhưng rút cục nó vẫn không hoạt động. Nếu cán bộ hành chính coi người dân phải đến và xin giấy chứng tử thì câu chuyện sẽ khác. Nếu người công chức quan niệm đây là trách nhiệm của họ phải giải quyết cho người dân thì câu chuyện đó lại hoàn toàn khác. Vì vậy, câu chuyện thủ tục và cải cách hành chính là 2 chuyện khác nhau.
PV: Cả một thời gian dài chúng ta đã quá quen thuộc với việc sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế nhưng tại sao vẫn chuyển biến chậm chạp, thưa ông?
Ông Phạm Bích San:Có lẽ cần phải xem lại việc sắp xếp, tinh giản biên chế đó với những đối tượng nào, thành phần nào.
Về nguyên lý, các cán bộ hành chính cần được đào tạo tỉ mỉ, cụ thể, nhưng tôi cho rằng, các cán bộ hành chính hiện nay trình độ không đồng đều. Phần lớn cán bộ hành chính không nắm được một cách rành mạch những thủ tục hành chính cần phải làm gì, những tình huống hành chính cần được xử lý như thế nào.
Trong bộ máy, trình độ của cán bộ hành chính không nên quá chênh lệch nhau mà phải là những người có trình độ tương đương thì bộ máy mới chạy đều được.
Tôi nghĩ rằng, trong nhiều năm qua chúng ta cố gắng cải cách, tinh giản biên chế nhưng câu chuyện cuối cùng vẫn là chúng ta định sắp xếp, bố trí với những nguyên liệu như thế nào, việc đào tạo cần phải được tính lại.
PV:Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, nhưng không khó để nhận ra sức ì của các cấp thực thi công việc. Ông lý giải tình trạng này như thế nào?
Ông Phạm Bích San: Có nhiều nguyên nhân, có thể vì bộ máy hành chính quá phức tạp; có thể vì số lượng người quá nhiều, trình độ của cán bộ hành chính không phù hợp.
Khi bộ máy hành chính quá phức tạp thì các bộ phận luôn có xu hướng nhìn nhau, xem ai, bộ phận nào phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề này, từ đó nảy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Từ việc đùn đẩy cũng có thể làm cho hồ sơ hành chính kéo dài thời hạn không phải tính theo ngày, theo tuần, mà có khi kéo dài vô thời hạn.
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói khi ông còn làm Phó Thủ tướng đó là, “30% cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi có quá nhiều cán bộ hành chính thì ai cũng tỏ ra mình là quan trọng, có vai trò trong bộ máy đó. Để có vai trò, họ nảy sinh việc săm soi, nhìn nhận các hồ sơ, “bới ra việc để làm cho được”. Vì vậy, cán bộ hành chính quá đông cũng là điều không thể làm cho bộ máy hành chính gọn gàng được.
May mắn được dạy trong trường hành chính cách đây hơn 30 năm, tôi thấy các kỹ năng hành chính dạy rất ít, trong khi định hướng chính trị được dạy rất nhiều. Công chức hành chính khi ra trường là phải làm được những việc nhất định, với một trình độ nhất định. Trong đó, có một yêu cầu quan trọng là phải đáp ứng được, làm hài lòng người dân.
Nếu chúng ta muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo thì người dân, doanh nghiệp đến với hành chính như tìm đến một chỗ dựa để có thể giải quyết vấn đề.
PV: Theo ông, giải pháp nào để loại bỏ những công chức vì lợi ích của cá nhân, địa phương mình, Bộ mình, ngành mình mà gây phiền hà cho nhân dân?
Ông Phạm Bích San: Theo tôi việc đầu tiên là phải thiết kế bộ máy hành chính lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Nếu không có thước đo thì bắt buộc anh phải rời bỏ bộ máy.
Để đánh giá được hiệu quả thì những người trong bộ máy hành chính từ nhân viên đến người chỉ huy phải có trách nhiệm cụ thể, cùng với những chế tài cụ thể. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì cán bộ đó bắt buộc phải ra đi.
Hiện nay có tình trạng cán bộ tự đánh giá nhau nên thường có sự nể nang, không tính đến hiệu quả công việc. Hơn nữa, người chỉ huy thường không có đầy đủ quyền hạn nhất định. Khi họ không đủ quyền hạn nhất định thì trách nhiệm của họ cũng không rõ ràng.
PV: Trách nhiệm giải trình là một khái niệm có vẻ còn khá mới mẻ ở nước ta. Theo ông, trong thực thi công vụ, trách nhiệm giải trình có nên là một quy định bắt buộc?
Ông Phạm Bích San: Câu chuyện minh bạch và giải trình hình như dạo gần đây mới được đề cập nhiều, nhưng tôi không nghĩ điều này là mới mẻ với nước ta. Vì ngay từ thời phong kiến đã có 4 chữ “đăng, bình, chính, trực”. Đăng chính là sự minh bạch, mà minh bạch thì phải đi liền với giải trình.
Vậy giải trình với ai? Bộ máy hành chính phải có trách nhiệm giải trình với người dân, doanh nghiệp – những người đóng thuế để dựng lên bộ máy này. Đó mới là điểm quan trọng nhất. Theo tôi, điều này nên tập trung trong thời gian sắp tới.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV