Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cán bộ làm việc kém hiệu quả.
Chính phủ vừa ra Nghị quyết 25/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Chương trình nhằm xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TW, bảo đảm đúng quan điểm đã đề ra trong Nghị quyết.
Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, phương pháp tiến hành ở các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW. Đồng thời, Chương trình hành động này là cơ sở để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành; gắn với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết khác để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình, tạo niềm tin trong Đảng, trong Nhân dân, tạo động lực làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình
Theo Chương trình hành động, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 04-NQ/TW.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, trong đó, thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo đúng Nghị quyết số 04-NQ/TW, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và đột xuất theo quy định trên cơ sở cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm, trách nhiệm nêu gương của cấp trên, người đứng đầu.
Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Rà soát, có biện pháp, hình thức xử lý phù hợp đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Kịp thời xử lý dứt điểm đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thông tin kết quả cho Nhân dân.
Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ; rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở và gần dân, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội. Chủ động định hướng thông tin, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả
Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng quy định tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; hoàn thiện thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có các quy định về xử lý kỷ luật; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức.
Trong đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
Tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, Luật thi đua, khen thưởng; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp thẩm quyền quản lý, quy trình bổ nhiệm… nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng kén chọn vị trí, chức danh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch.
Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp và những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thắc mắc, không đồng tình và công khai kết quả xử lý.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong đó, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về chế độ trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, phong cách lối sống, quy tắc ứng xử của cơ quan nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập, của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực ứng xử các mối quan hệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với doanh nghiệp và với Nhân dân.
Người đứng đầu và từng cán bộ, công chức, viên chức phải có bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan”, “gặp mặt” khi hội họp, được đề bạt, thuyên chuyển công tác và việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết… xa hoa, lãng phí, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí, sử dụng phương tiện tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đi địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trước mắt, tập trung xử lý ngay, dứt điểm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, những vụ việc tham nhũng, tội phạm kinh tế và tội phạm về chức vụ nghiêm trọng, phức tạp… được dư luận xã hội, Nhân dân quan tâm. Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức sai phạm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định.
Phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc
Chương trình nêu rõ, phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Cụ thể, xây dựng quy định khung về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý phù hợp, kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp.
Thực hiện nghiêm Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tăng cường công tác dân vận - dân chủ trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân, báo chí và công luận trong việc thực hiện vai trò giám sát và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của Nhân dân.
Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”./.