Trong đó, điểm thay đổi đáng chú ý so với dự thảo lần 1 được nêu ra trước đó là Ban soạn thảo đã bỏ nội dung quy định khoảng cách giữa các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70 km và cũng không cần phải lấy ý kiến người dân địa phương khi xây dựng trạm.
Ban soạn thảo thông tư cho hay việc bỏ quy định trên là tiếp thu ý kiến của một số bộ ngành, địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng quy định khoảng cách 70 km là gây khó khăn cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thu hoàn vốn của dự án.
Nghị quyết của Quốc hội đã quy định các dự án BOT đường bộ phải là tuyến mới và tổng mức đầu tư cho 1 tuyến đường mới dài tối thiểu 70 km là rất lớn, lãi suất biến động, thời gian thi công kéo dài, do đó các nhà đầu tư sẽ không tham gia.
Bộ Tài chính cũng góp ý, quy định khoảng cách 70 km chỉ phù hợp với các dự án áp dụng phương pháp thu hở (thu phí theo lượt) được triển khai từ trước, không phù hợp với các dự án thu kín (thu phí theo km) đang được khuyến khích triển khai tại nhiều tuyến đường cao tốc như hiện nay.
Ngoài ra, theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định về khoảng cách vị trí trạm thu phí.
Đồng ý với việc bỏ quy định trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng trước đây, Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định các trạm thu phí BOT phải đặt cách nhau tối thiểu 70 km nhằm ngăn việc các trạm đặt gần nhau, tạo gánh nặng cho chủ phương tiện.
Bối cảnh lúc đó buộc phải có yêu cầu trên do có nhiều dự án BOT cải tạo tuyến đường độc đạo, người dân không có quyền lựa chọn.
“Tuy nhiên theo quy định mới, Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho phép làm BOT trên các tuyến đường mới, song song với đường cũ, nên quy định khoảng cách 70 km giữa các trạm là không cần thiết. Người dân đã có nhiều sự lựa chọn, việc đặt yêu cầu chỉ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Nếu đã chỉ cho phép đặt trạm BOT tại đường mới, doanh nghiệp muốn đặt chỗ nào, đầu hay giữa hay cuối đường cũng không cần xin phép cơ quan nào", ông Thanh nói.
Theo dự thảo Thông tư 49 lần 2, trạm thu phí chỉ cần đảm bảo các yêu cầu: Vị trí phải được xác định trong thời gian lập dự án BOT, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người dân địa phương), phải thuận lợi cho việc thu phí và đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án BOT.
Các trạm thu phí trên đường quốc lộ phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (Hội đồng Nhân dân, UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội).
Đối với đường địa phương, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải.