Cuối giờ làm việc sáng nay (8/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến  về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
 
images1061674_quoc_hoi.jpg
 
Theo báo cáo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.
 
Căn cứ ý kiến đề xuất bổ sung nội dung của đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế, đề nghị bố trí nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông tại hội trường trong thời gian 1 giờ (dự kiến từ 16 giờ 00 ngày 25/10/2014) để Quốc hội nắm được thông tin cụ thể, đầy đủ hơn về vấn đề quan trọng này. 
 
Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nội dung kỳ họp như sau: Rút nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.
 
Bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
 
Bổ sung nội dung Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.
 
Bổ sung các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu về một số vấn đề: Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh người có công và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm; Tình hình triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; Tình hình người nghiện ma túy trong phạm vi cả nước; việc thực hiện các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện ma túy và công tác quản lý đối với người sau cai nghiện hiện đang sống trong cộng đồng dân cư; Tình hình lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc tại Việt Nam.
 
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị tăng thời gian thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thêm 1 buổi/1 dự án, đề án.
 
Tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày để bảo đảm thời gian làm rõ vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.
 
Bố trí 01 buổi thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; bố trí truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận tại hội trường về các dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
 
Phân công Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội là Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc lãnh đạo các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các Tổ phó là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; có biện pháp tăng tính tranh luận trong thảo luận, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, những vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án luật.
 
Xem xét rút ngắn thời gian kỳ họp trên cơ sở rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu và thông qua các luật; bố trí hợp lý Quốc hội làm việc một số ngày thứ bảy để phiên bế mạc kỳ họp vào thứ sáu, ngày 28/11/2014. 
 
Văn phòng Quốc hội xin dự kiến bổ sung việc bố trí Quốc hội mặc niệm ông Nguyễn Minh Hồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An vào đầu phiên họp trù bị.
 
Dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp không thay đổi, với 33 ngày làm việc chính thức, trong đó Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ bảy. Do có sự thay đổi trong bố trí làm việc vào các ngày thứ bảy nên kỳ họp sẽ bế mạc vào thứ sáu, ngày 28/11/2014, sớm hơn 01 ngày so với dự kiến gửi các vị đại biểu Quốc hội.
 
Trong buổi sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
 
Các đại biểu thảo luận về chính sách pháp luật chống biến đổi khí hậu.
 
Báo cáo giám sát do Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì, phối hợp với hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội soạn thảo theo chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Báo cáo cho biết, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 89 văn bản, các bộ ngành ban hành 80 văn bản và phê duyệt hàng trăm dự án đầu tư trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó riêng nhu cầu đầu tư cho các dự án biến đổi khí hậu từ nay đến 2020 khoảng 17.000 tỷ đồng.
 
Các đại biểu đánh giá, nhu cầu đầu tư các dự án phục vụ đối phó với biến đổi khí hậu là cần thiết, nhưng cần tránh dàn trải. Tỉnh nào cũng xây dựng chương trình kế hoạch riêng cho tỉnh mình trong khi đây là vấn đề chung, thì sẽ gây dàn trải, lãng phí nguồn lực trong đầu tư và các dự án không phát huy được tác dụng như thiết kế.
 
Các đại biểu cũng đề nghị, cần có sự điều phối tốt hơn từ cơ quan trung ương, hoặc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thành lập một cơ chế điều phối, để tạo sự thống nhất trong việc xây dựng chính sách, thực thi, cũng như triển khai các dự án cụ thể.
 
Mục tiêu của việc giám sát về biến đổi khí hậu nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này, qua đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường việc thực thi chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Theo VOV/VTV