Gạt bỏ khác biệt vì mục tiêu chung
Khoảnh khắc những người lính Liên Xô tiến từ phía Đông, còn những người lính Mỹ tiến từ phía Tây lên cây cầu bắc qua sông Elbe gần Torgau ở Đức, sau đó bắt tay nhau vào ngày 25/4/1945 đã trở thành khoảnh khắc lịch sử trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Đó là cái bắt tay biểu tượng cho sự hợp tác giữa các lực lượng trên những chiến tuyến khác nhau để đối phó với chủ nghĩa phát xít theo một Tuyên bố của Liên hợp quốc năm 1942, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 đang gần đi tới hồi kết.
Bản Tuyên bố chung nêu rõ, tinh thần của sự kiện Elbe là một ví dụ cho thấy hai quốc gia Mỹ và Nga có thể gạt bỏ khác biệt, xây dựng niềm tin và hợp tác để theo đuổi những mục tiêu lớn hơn. Bản tuyên bố viết: “Ngày nay, khi chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức quan trọng nhất của thế kỷ 21, chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với các chiến sĩ và lòng can đảm của những người đã cùng nhau chiến đấu để đánh bại chủ nghĩa phát xít”.
Về mặt hình thức, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố chung là để kỷ niệm một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử. Nhưng điều khiến dư luận phải chú ý đó là Mỹ và Nga rất hiếm khi tổ chức kỷ niệm sự kiện này, lần gần đây nhất đã diễn ra cách đây đúng 10 năm dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Khi đó, chính quyền của ông Obama đang theo đuổi chính sách đối ngoại thân thiện hơn với Nga.
Chính bởi vậy, nhiều nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng việc ra Tuyên bố chung lần này có thể “gây nhiễu” những tín hiệu mà Mỹ đang muốn gửi đến Nga trong bối cảnh hai bên có quá nhiều bất đồng trong hàng loạt vấn đề quốc tế. Đó là căng thẳng Đông - Tây liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đó là chính sách can thiệp của Nga tại Syria - yếu tố quyết định làm thất bại tính toán của Mỹ và các đồng minh liên quan đến sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar al Assad. Đó là những bất đồng liên quan đến những hiệp ước kiểm soát vũ khí giữa hai bên.
Gần đây nhất, Nga cũng là nhân tố chính trong hai vấn đề đang khiến các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ có sự đồng thuận hiếm hoi. Thứ nhất là nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như đang tiến hành các cuộc chiến thông tin để tạo ưu thế cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020. Mặc dù ông Donald Trump đã nhiều lần gọi cuộc điều tra can thiệp bầu cử năm 2016 là “cuộc săn phù thủy”, còn thông tin Nga đang cố gắng để ông đắc cử năm nay là “nước cờ” nhằm hạ uy tín của ông trước chặng đua nước rút quan trọng, nhưng báo cáo ngày 21/4 mới đây của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã khẳng định rằng Nga thực sự đã cố gắng gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho Tổng thống Donald Trump.
Vấn đề thứ hai là nghi vấn Nga cùng với Trung Quốc đang thực hiện các chiến dịch truyền thông sai lệch nhằm vào Mỹ liên quan tới dịch bệnh Covid-19, trong đó có thông tin virus SARS-CoV-2 có thể là một loại vũ khí sinh học có nguồn gốc từ Mỹ. Những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đến nay vẫn ở dạng “thuyết âm mưu”, nhưng rõ ràng đang tạo ra mối nghi ngờ mới trong quan hệ Mỹ - Nga. Bởi thế, nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng việc ra tuyên bố chung ở thời điểm này là không phù hợp, có thể vô hiệu hóa các thông điệp cứng rắn mà Mỹ cần gửi tới Nga trong giai đoạn nhạy cảm này.
Dấu hiệu bất thường?
Việc các nghị sĩ Mỹ đang rất lo lắng về tác động của bản Tuyên bố chung giữa ông Donald Trump và ông Vladimir Putin với chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga là có thể hiểu được nếu đặt bên cạnh hàng loạt sự kiện diễn ra mới đây. Kể từ ngày 30/3 đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tới 5 lần - tần suất dày đặc hiếm thấy kể từ khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1/2017.
Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi cuộc điện đàm với ông Putin là “tuyệt vời”, trong đó hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc hợp tác chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ngay sau đó, Nga đã huy động máy bay quân sự để chở hàng viện trợ y tế khẩn cấp cho Mỹ nhằm hỗ trợ chính quyền của ông Donald Trump chống chọi với Covid-19. Với những người quan tâm đến quan hệ Nga - Mỹ, các cuộc điện đàm dày đặc cũng hành động trên thực tế của hai nhà lãnh đạo đáng được xem là dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, giới quan sát lại thận trọng cho rằng những nhà soạn thảo tuyên bố của hai phía không tính toán quá nhiều đến thế. Không loại trừ khả năng cả hai bên thực sự cùng muốn đề cao thông điệp “gạt bỏ khác biệt vì mục tiêu chung” - một thông điệp thể hiện trách nhiệm của nước lớn và chắc chắn sẽ được đánh giá cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Các cuộc điện đàm dày đặc trong tháng Tư vừa qua có thể là lượng giao tiếp bất thường, nhưng cần phải đặt trong một hoàn cảnh cũng bất thường như những gì mà Mỹ và Nga đang trải qua. Bên cạnh việc cùng phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, cả Mỹ và Nga đều là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của giá dầu trên thị trường thế giới.
Vì vậy, đây có thể xem là thời điểm thích hợp để hai bên tạm “lùi một bước” trong những bất đồng mang tính chiến lược để bắt đầu việc hợp tác trong lĩnh vực có lợi cho cả hai bên. Việc sau các cuộc điện đàm, Nga và Mỹ đã thuyết phục được Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu khai thác là một minh chứng cho điều đó. Dù vậy, hợp tác trong những lĩnh vực nhỏ lẻ này không đủ tạo ra những thay đổi lớn trong bản chất mối quan hệ Mỹ - Nga trong giai đoạn này - một mối quan hệ đang bị phủ bóng bởi quá nhiều nghi kỵ.
Không thể phủ nhận, những gì mà ông Donald Trump thể hiện kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng cho thấy ông mong muốn xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng giới phân tích cho rằng, ông Donald Trump đủ khôn ngoan để hiểu được có những vấn đề quyền lực của Tổng thống không thể vượt qua quyền lực của Quốc hội. Ví dụ, một mục tiêu rất quan trọng mà Nga luôn theo đuổi trong quan hệ với Mỹ là xóa bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng đó là điều ông Donald Trump không thể thực hiện nếu không có sự thông qua của Quốc hội.
Hơn nữa, ông Donald Trump đã có quá nhiều trải nghiệm không mấy vui vẻ liên quan đến mối quan hệ với Nga trong suốt nhiệm kỳ của mình. Vì thế, không có lý do gì ông và đội ngũ tranh cử của mình lại để cho vấn đề này nổi lên một cách không cần thiết trước thời điểm diễn ra bầu cử quan trọng vào tháng 11 tới đây. Bởi vậy, trong lúc các nhà lập pháp Mỹ cuống cuồng lo lắng về tác động của bản Tuyên bố chung của ông Trump và ông Putin, giới phân tích lại bình thản hơn: “Dù có gì thay đổi thì cứ chờ đến năm 2021!”.