Chị H. (ngụ ở Hà Nội), bán đồng hồ, kem, mắt kính... qua mạng xã hội, có nhận được đề nghị mua hàng từ một người tên Thúy Phượng qua Facebook. Chị H. yêu cầu Thúy Phượng chuyển khoản tiền đặt cọc mua hàng là 8,5 triệu đồng. Chỉ vài phút sau người này chuyển lại cho chị H. ảnh chụp màn hình lệnh chuyển khoản đã được thực hiện với số tiền 8,5 triệu đồng.
Trong lúc trao đổi với Thúy Phượng, chị H. cảm giác nghi ngờ vì thấy người này hỏi chị có dùng dịch vụ ngân hàng điện tử (ibanking) không. Hơn nữa, dù đã qua năm 2018 nhưng trên lệnh chuyển tiền của Thúy Phượng gửi lại ghi năm 2017.
Vẫn đang nghi ngờ thì chị H. nhận được tin nhắn với nội dung: “VIETCOMBANK: TK VCB 0781000... cua quy khach vua nhan duoc 1 giao dich chuyen den voi so tien 8,500,000D DV MasterCard. Khach hang TRINH... H. vui long truy cap lien ket sau http://ibanking-vietcombank.ga/ de xac nhan giao dich tien ve tai khoan. Xin cam on!”. Tin nhắn này được gửi từ đầu số 6788. Nghi ngờ lừa đảo nên chị H. nhắn tin cho nick Thúy Phượng trên Facebook thì người này "chuồn”.
Sau đó chị H. đã chia sẻ tình huống này lên một diễn đàn, một số người bán hàng qua mạng cho biết cũng bị nick Thúy Phượng lừa theo chiêu thức này. Nếu người dùng mất cảnh giác nhấp vào link nhận từ tin nhắn thì sẽ bị yêu cầu cung cấp số tài khoản và mật khẩu của tài khoản ngân hàng...
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Dịch vụ Ngân hàng điện tử Vietcombank khẳng định đầu số tổng đài gửi tin nhắn 6788 cho khách hàng không phải dịch vụ của Vietcombank. Các tin nhắn mà ngân hàng chủ động gửi đến khách hàng đều mang thương hiệu “Vietcombank”. Trường hợp khách hàng muốn thực hiện các giao dịch nạp tiền (Top-up) cho chính số điện thoại của mình hoặc tra cứu các thông tin qua dịch vụ SMS Banking như số dư tài khoản, giao dịch, tra cứu thông tin tỷ giá, địa điểm đặt ATM… gửi đến tin nhắn có đầu số 6167.
Bà Hằng khẳng định đối với trường hợp tài khoản khách hàng nhận được tiền, nếu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking, Vietcombank sẽ gửi tin nhắn thông báo về việc tài khoản của khách hàng đã được ghi có số tiền của giao dịch, mà không yêu cầu khách hàng phải xác thực thông tin (tại một đường link) như trường hợp giả mạo trên.
Gần Tết, các giao dịch mua bán trên mạng khá nhiều, việc thanh toán chủ yếu trực tuyến qua ngân hàng. Theo Vietcombank các giao dịch tăng vào dịp cuối năm là một quy luật rất bình thường.
Chính vì vậy đây cũng có thể là dịp để kẻ xấu lợi dụng sự mất cảnh giác để dùng nhiều chiêu thức lừa đảo từ thủ công, đến tinh vi như sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tiền của những khách hàng lơ là, mất cảnh giác thông qua việc đánh cắp thông tin về thẻ, thông tin bảo mật về tài khoản của khách hàng. Chính vì vậy, người dùng cần thận trọng cảnh giác và tuân thủ các hướng dẫn giao dịch an toàn.