(Baonghean) - Tới thời điểm này, mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng chỉ chờ  mệnh lệnh của Tổng thống để nước Mỹ có thể đáp trả nếu CHDCND Triều Tiên có hành động khiêu khích. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra, hoặc khó thành hiện thực. Bởi đơn giản, một cuộc tấn công phủ đầu không nằm trong kịch bản đối phó với Bình Nhưỡng của ông Trump. 

“Gây sức ép và can dự tối đa” với Triều Tiên 

Bầu không khí căng thẳng xung quanh bán đảo Triều Tiên được đẩy lên cao mấy tuần nay liên quan tới khả năng Mỹ đáp trả các hành động khiêu khích dịp Triều Tiên kỷ niệm 105 năm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Các lựa chọn đặt ra là một cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa hay ném bom vào các địa điểm quan trọng của Triều Tiên.

Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Bất chấp việc huy động binh lính và vũ khí tới quanh bán đảo Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có trong tay cách tiếp cận của mình với Triều Tiên, trong đó loại trừ việc sử dụng vũ lực. 

images1877365_bna_58f361585ffb5.jpgLễ diễu binh nhân sinh nhật lần thứ 105 nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành là nơi Triều Tiên giới thiệu những loại vũ khí mới (AP).

Theo tiết lộ của một quan chức Mỹ được hãng tin AP dẫn lại hôm 14/4, Washington đã hoàn tất chính sách về Triều Tiên, trong đó tập trung "gây sức ép và can dự tối đa" đối với Bình Nhưỡng. Theo nguồn tin này, Mỹ đã hoàn tất chính sách sau khi các cố vấn của Tổng thống Trump suốt 2 tháng qua đã xem xét một loạt biện pháp nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, trong đó có các phương án quân sự, cũng như ý tưởng về việc công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. 

“Đây là một giải pháp tất yếu”, William Perry, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách vấn đề Triều Tiên dưới thời chính quyền Bill Clinton nhận định. Ông Perry so sánh tình hình hiện tại với thời điểm năm 1994 khi Mỹ bị đẩy đến bên bờ của một cuộc chiến tranh với Triều Tiên. Khi đó, thông tin tình báo của chính quyền Clinton khẳng định, Triều Tiên đã di chuyển các thanh nhiên liệu từ lò phản ứng Yongbyon tới trung tâm tái chế- bước đầu tiên của việc chế tạo vũ khí nguyên tử. 

“Tình hình hiện tại có một số yếu tố khác biệt nhưng tôi vẫn cho rằng câu trả lời thì vẫn vậy. Chưa phải lúc để khai màn một cuộc tấn công Bình Nhưỡng”,  cựu quan chức Ngoại giao Mỹ nói. Lý do được đưa ra là hậu quả quá lớn một khi sức mạnh quân sự được huy động. “Ở đây không giống với chiến dịch tại Syria nơi mà chúng ta vừa phóng gần 60 quả tên lửa. Đó được nhìn nhận là một cuộc tấn công phù hợp và hiệu quả. Trong trường hợp Bắc Triều Tiên, bất kể lợi ích thu được là gì, sẽ có những hậu quả. Chương một có thể là câu chuyện vui vẻ. Nhưng chương hai sẽ có nhiều lo lắng dành cho nước Mỹ”. 

Hầu hết nhận định từ giới nghiên cứu chiến lược ở Mỹ đều đi đến kết luận mối đe dọa từ Mỹ chỉ củng cố thêm quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, khi Triều Tiên, dưới sức ép bên ngoài, khởi động hàng chục trong tổng số hàng nghìn tên lửa nhắm vào Seoul, nơi chỉ cách biên giới Triều Tiên 50km.

“Một cuộc tấn công phủ đầu sẽ đẩy 28.500 binh lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc vào tình thế cực kỳ nguy hiểm”, James Faeh, Giám đốc quốc gia của Lầu Năm Góc về bán đảo Triều Tiên, dưới thời Tổng thống Barack Obama khẳng định. Còn Robert Manning, cựu cố vấn về vấn đề châu Á của các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Hội động Tình báo Quốc gia Mỹ đánh giá: “Không có cơ hội cho Tổng thống Trump tiêu diệt 100% năng lực hạt nhân và kho tên lửa ở Triều Tiên với chỉ một cuộc tấn công phủ đầu. Lựa chọn này là không hiệu quả. Trừ khi có thể di chuyển cả khu vực Seoul với 28 triệu người, gồm cả 80.000 người Mỹ, còn không một cuộc tấn công phủ đầu sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn là thắng lợi”. 

Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc được coi là công cụ của chính sách “Kiềm chế chiến lược” (Korea Herald)

Còn phân tích của chuyên gia Benjamin Habib của Đại học La Trobe, Australia cho rằng, Mỹ không nên tạo ra cơ hội để Triều Tiên huy động sức mạnh hạt nhân và tên lửa của mình. “Vấn đề là một cuộc tấn công phủ đầu vào Triền Tiên tạo ra nguy cơ leo thang chiến tranh. Mà đó lại là động cơ duy nhất của Bình Nhưỡng khuếch trương quyền lực ở tầm quốc tế”. Theo chuyên gia này, đội ngũ đối ngoại của Tổng thống Mỹ cần phải nắm vững logic của vấn đề. “Với Triều Tiên, chuyện đáp trả bằng hạt nhân hay tên lửa vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ không phải là vấn đề. Vì thế chính sách Kiềm chế chiến lược dựa trên sự răn đe của Mỹ quan trọng hơn là một hành động vũ lực đơn phương không cần thiết. Chính sách này sẽ giữ được ổn định tại khu vực”. 

Vai trò của Trung Quốc

Thực tế, những “cái đầu nóng” ở Mỹ có lẽ đã lên hẳn một kế hoạch tấn công phủ đầu nhằm chấm dứt những tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; đồng thời, dập tắt những hành động “bốc đồng” của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo các thông tin vừa được tiết lộ, định hướng hành động của Washington sẽ ôn hòa hơn nhiều. Chính sách mới được cho là không khác nhiều so với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" dưới thời Tổng thống Barack Obama. 

Điểm mới là Mỹ sẽ gây sức ép lớn hơn để Trung Quốc có hành động với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết hồ sơ Triều Tiên. Điều này được thể hiện trước và sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida. “Củ cà rốt” cho sự hợp tác này là những hứa hẹn một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải chờ đợi xem Trung Quốc sẽ làm tới đâu trong chuyện gây sức ép với Triều Tiên, bởi những lo ngại rằng một Triều Tiên sụp đổ vì sức ép sẽ gây nên bất ổn với Bắc Kinh.

Chính vì vậy, giải pháp ở đây có thể là công nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân và siết chặt Bình Nhưỡng vào lợi ích kinh tế sát sườn hơn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa đây là một bước lùi của chính quyền Trump so với những gì đã tuyên bố./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN