(Baonghean) - Ngày 27/4 đánh dấu 100 ngày đầu tiên ở cương vị Tổng thống Mỹ thứ 45 của Donald Trump. Các nhà quan sát cho rằng, Trump đã thất bại khi không để lại dấu ấn đáng kể nào. Tính đến nay, rất nhiều điều không tưởng hay chưa có tiền lệ đã xảy ra tại Nhà Trắng.
Điểm lại những điểm đáng nhớ trong 100 ngày đầu của vị Tổng thống đặc biệt này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học, Bộ Công an.
PV: Trong 100 ngày vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã có những chính sách đối nội như thế nào để khắc phục những mâu thuẫn, củng cố lòng tin trong lòng nước Mỹ, thưa Thiếu tướng?
PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong 100 ngày đầu tiên giữ chức vụ Tổng thống, Donald Trump đã đưa ra hàng loạt sắc luật, chính sách liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội Mỹ như: bỏ dự luật Obamacare; sắc luật xiết chặt nhập cư đối với công dân 7 nước có đông người Hồi giáo; xây bức tường ngăn biên giới với Mexico. Nhưng đáng tiếc, những chính sách và sắc luật này không khắc phục được “vết thương” trong xã hội Mỹ, mà còn vấp phải phản ứng dữ dội và khoét sâu thêm mâu thuẫn và sự mất lòng tin của người dân Mỹ vào Tổng thống Trump.
Trong 100 ngày đầu tiên của Donald Trump, đã có gần 100 cuộc biểu tình khắp nước Mỹ phản đối tân tổng thống. Có thể thấy, Trump đã không thực hiện được những cam kết của mình và đây là một sai lầm lớn nhất của cử tri Mỹ.
PV: Vậy các chính sách đối ngoại của Donald Trump có đạt được thành công mới gì không, thưa Thiếu tướng?
PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên nghị trường quốc tế, Donald Trump đang đi ngược lại với những gì ông từng tuyên bố trong quá trình tranh cử.
Trong quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nếu như trong suốt chiến dịch tranh cử, ông từng nhiều lần chỉ trích NATO đã trở nên lỗi thời. Ông từng đe dọa rằng, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp tài chính cho tổ chức này. Thế nhưng, hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố NATO “không còn lỗi thời”, đồng thời ca ngợi vai trò của tổ chức này trong cuộc chiến chống khủng bố, khẳng định NATO là “bức tường bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế”.
Với Nga, ông Trump đã “quay lưng” và tự tay phá bỏ “từ trong trứng nước” mọi hợp tác với Nga chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS. Điển hình là sự kiện Mỹ bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk tới mục tiêu thuộc tỉnh Homs, miền trung Syria: căn cứ không quân Shayrat, nơi cả binh sĩ Syria và Nga đóng quân.
Với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump gần đây không còn đề cập, hay nhắc lại việc coi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” nữa, cũng như ông chưa hề có hành động gì để áp thuế cao lên hàng hoá của Trung Quốc xuất sang Mỹ. Vấn đề ở chỗ, Tổng thống Trump cần sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên, được xem là mối quan ngại lớn nhất cho an ninh của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Với Triều Tiên, những ngày gần đây,Tổng thống Trump đã ra lệnh cho cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson tới gần Triều Tiên để phát đi thông điệp răn đe rất mạnh đến Bình Nhưỡng, giúp Trump có thêm lựa chọn trong việc đối phó với hành vi khiêu khích của Triều Tiên.
Thậm chí đe dọa sẽ đánh phủ đầu vào cơ quan đầu não của Bình Nhưỡng. Nhưng đây chỉ là động thái “tung hoả mù” của chính quyền Donald Trump. Trên thực tế, Mỹ không dám phát động một cuộc chiến tranh, bởi hàng vạn quân binh của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản đang nằm trong tầm đạn pháo của Triều Tiên.
Có thể thấy, trên nghị trường quốc tế, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đang phải mang “gánh nặng” hai điểm nóng: Syria và Triều Tiên, mà đến bây giờ chính quyền của ông vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng. Nếu không hợp tác với Nga và Trung Quốc, thì Donald Trump sẽ hoàn toàn thất bại trong việc giải quyết các đỉểm nóng trên.
PV: Thiếu tướng có thể khái quát 100 ngày của Donald Trump được không?
PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong 100 ngày đầu tiên này, Donald Trump không làm được gì để khắc phục được chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ, khiến cho người dân Mỹ càng thêm bất bình. Cộng đồng quốc tế ngày càng thấy rõ hơn bản chất “đường lối diều hâu” của Donald Trump. Khẳng định rằng, Trump chỉ là người biểu diễn, mà kịch bản nằm trong tay các tập đoàn tài chính, công nghiệp phố Wall. Bản thân ông Trump không đưa ra được những quyết sách rõ ràng cả trong đối nội và đối ngoại.
Đặc biệt, cụm tàu sân bay chiến đấu hay tên lửa Tomahawk được coi như một bằng chứng cho thấy phong cách giải quyết vấn đề thiên về vũ lực của ông Trump./.
Mỹ Nga
(Thực hiện)