(Baonghean.vn) - Năm 2015 là một năm thành công của hãng sản xuất ôtô lớn thứ 4 thế giới Renault SA với doanh số bán hàng cao nhất từ trước đến nay, lợi nhuận đạt 2.96 tỷ euro, tăng gần 50% so với năm 2014. Chiến lược mở rộng thị trường mới ở châu Á, châu Phi và bắt nhịp phục hồi của thị trường châu Âu có vẻ đang đưa hãng sản xuất ôtô Pháp đi đúng hướng. 

Ông Eric Champarnaud - Phó Giám đốc Văn phòng Thông tin và Dự báo kinh tế Pháp có bài trả lời phỏng vấn phân tích, đánh giá thành công nổi bật của Renault năm 2015 vừa qua. 

PV: Ông có nhận định như thế nào về kết quả kinh doanh ấn tượng của Renault năm qua?

Năm 2015, Renault đã biết tận dụng rất tốt thị trường châu Âu đang có dấu hiệu dần khôi phục. Chỉ số tăng trưởng của thị trường châu Âu so với năm 2014 đạt 9.3% và có khả năng sẽ duy trì được ngưỡng này trong năm nay. 

Điều thú vị là sự khôi phục của thị trường ôtô châu Âu diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không cần can thiệp kích cầu nhân tạo. Nguyên nhân đơn giản là do tuổi thọ già cỗi của các phương tiện người tiêu dùng đang sử dụng, dẫn đến hiện tượng “thay máu” thị trường theo quy luật tự nhiên. Hiện tượng này cũng bù đắp vào lỗ hổng do bất ổn ở thị trường Nga và Brazil. 

images1460583_1.jpgRenault đã có một năm 2015 ấn tượng và chứng tỏ nhiều ưu thế cạnh tranh trên thị phần ôtô giá rẻ. Ảnh: AFP

PV: So với các đối thủ cạnh tranh khác thì Renault đã có bước đi khôn ngoan nào để tận dụng thị trường chung thuận lợi đó?

Đưa ra sản phẩm tốt vào đúng thời điểm. Đó chính xác là điều mà Renault đã làm với những sản phẩm mới nhất của mình. Ví dụ như dòng xe Entry với các mẫu như Logan, Duster, Sandero,…đang đạt được những thành công đáng kể trên thị trường khi đánh vào thị hiếu người dùng hướng đến những dòng xe nhỏ hơn, tiết kiệm hơn. 

Tâm lý này của người dùng không mới nhưng hầu như không ai nghĩ rằng chiến lược kinh doanh low-cost (giá rẻ) kiểu như vậy có thể đem đến hiệu quả lợi nhuận đáng kể. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại: Renault thành công với xe giá rẻ bởi họ tung ra chiến lược này vào đúng thời điểm thị trường mới “chập chững” khởi động lại. 

PV: Nhưng muốn thu lợi nhuận từ ôtô giá rẻ đồng nghĩa với việc doanh số bán hàng phải cao vượt bậc…

Đó là một thách thức mà Renault chấp nhận và họ đã thành công. Low-cost bao giờ cũng đi kèm với lợi nhuận từ sản phẩm thấp hơn. Tuy nhiên lợi nhuận từ các sản phẩm low-cost của Renault cơ bản bù được giá thành sản xuất. Đó là nhờ họ biết thu thập, tận dụng các chi tiết máy và bộ phận của các dòng xe thế hệ cũ; tối ưu hoá các quy trình vận hành; đề cao chủ nghĩa tối giản trong thiết kế;…

Người ta còn lo ngại rằng chiến thuật này sẽ “phá vỡ” thương hiệu của Renault. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngược lại, Renault đang xây dựng được chỗ đứng cực kỳ vững chắc trong gam sản phẩm tầm trung trên thị trường ôtô.

PV: Vậy còn thị trường nước ngoài thì sao?

Hiện nay chúng ta còn chưa nói nhiều đến châu Phi nhưng Renault thì đã có một chỗ đứng khá tốt ở đây. Hãng sản xuất này đã có chi nhánh ở Maroc và hiện đang chiếm 38% thị trường bản địa. Khu vực này sẽ trỗi dậy trên bản đồ kinh tế trong tương lai không xa, lúc đó thì Renault đã “cài” được những “quân cờ” mạnh ở đây rồi. 

Tổng giám đốc điều hành hãng Renault Carlos Ghosn và mẫu xe giá rẻ nhắm tới thị trường Ấn Độ. Ảnh: AFP

Tại Ấn Độ, mẫu xe Kwid của Renault cũng có thành tích khá ấn tượng (100.000 đơn hàng kể từ khi được tung ra thị trường hồi tháng 9 năm 2015). Nhà sản xuất đã nghiên cứu rất kỹ thị trường mà mình nhắm đến. Người Ấn Độ muốn một chiếc xe giá rẻ nhưng chất lượng phải tốt và sản phẩm mà Renault mang đến thị trường rộng lớn này là một mẫu xe giá chỉ 3.500 euros, tối giản nhưng cực kỳ đáng đồng tiền. 

Phải thừa nhận là sẽ hơi phiền một chút với một chiếc ôtô không hỗ trợ chỉ đường hay lên xuống kính tự động, nhưng kể cả khi không có các chức năng này thì đó vẫn là một chiếc xe đảm bảo các yêu cầu của một phương tiện di chuyển. Hơn hết, rủi ro hỏng hóc cực kỳ thấp. Đó chính là chiến lược của Renault. 

PV: Và bây giờ, hãy nhắc đến Trung Quốc. Renault vừa mới đặt tại thành phố Vũ Hán của quốc gia đông dân nhất hành tinh này một nhà máy sản xuất mẫu xe Kadjar…

Sự hiện diện của Renault tại Trung Quốc có lẽ là chậm chân hơn so với các đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên điều kiện phát triển của họ khá tốt. Các nhãn hàng của Pháp tính đến thời điểm hiện tại đang được thị trường Trung Quốc tiếp nhận một cách tích cực. 

Dây chuyền lắp ráp mẫu xe Kadjar của Renault tại nhà máy đặt ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hơn nữa, khảo sát cho thấy thị trường ôtô Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào thời kỳ “thay máu” và người tiêu dùng sẽ mua ôtô hàng loạt. Tuy nhiên, đây là lớp người tiêu dùng có kinh nghiệm và nhu cầu sử dụng thiết thực hơn là mục đích phô trương. Thay vì những chiếc xe sedan, họ sẽ có xu hướng tìm đến các dòng xe khác như SUV - thị phần mà Renault có ưu thế. 

Một triển vọng khác mở ra cho Renault ở Trung Quốc là gam xe chạy bằng điện. Hiện nay, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm là hai vấn đề nổi cộm ở Trung Quốc. Việc đăng ký biển kiểm soát xe ôtô đã bị giới hạn ở 7 thành phố. Tuy nhiên, các phương tiện chạy điện lại “thoát” khỏi cảnh bị kiểm soát ngặt nghèo như ôtô chạy bằng nhiên liệu chất đốt truyền thống. 

Dù chưa có hạ tầng giao thông cần thiết đáp ứng cho các phương tiện chạy điện (các trạm sạc năng lượng) nhưng ý tưởng này có vẻ đang dần “chín muồi” trong tư duy các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc. Đến lúc đó, Renault vốn nổi tiếng trong lĩnh vực điện sẽ chiếm ưu thế nổi trội trên thị trường ôtô thế hệ mới ở Trung Quốc. 

Thục Anh

(Theo Libération)

TIN LIÊN QUAN