Đó là nhận định của ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT về chuỗi Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được Bộ TT&TT tổ chức từ tháng 6/2013 đến 2015.
5 dấu ấn lớn với cộng đồng
Lễ tổng kết giai đoạn 2013 - 2015 Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” vừa được Bộ TT&TT tổ chức sáng 30/10/2015, tại Hà Nội.
Với vai trò Phó Trưởng Ban tổ chức Triển lãm, ông Đoàn Công Huynh đã công bố Báo cáo tổng kết lại chuỗi Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Cụ thể, tính từ cuộc triển lãm đầu tiên ở Hà Tĩnh, khai mạc ngày 2/6/2013, đến nay, sau hơn 2 năm, Bộ TT&TT đã tổ chức 41 cuộc triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tại 2 đơn vị lực lượng vũ trang. Và đặc biệt có 9 cuộc triển lãm tổ chức ở các điểm đảo, huyện đảo: đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể tổng kết 5 dấu ấn lớn là chuỗi Triển lãm đã tạo dựng được và tác động lớn tới đời sống xã hội.
Thứ nhất, Triển lãm đã thực hiện được một chiến dịch truyền thông sâu rộng nhất từ trước tới nay về chủ quyền biển, đảo.
Chiến dịch truyền thông sâu rộng này hướng đến mục tiêu công khai, công luận và công pháp. Công khai bằng chứng, sự thật lịch sử để giành sự ủng hộ của công luận, nói lên tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam với người dân và bạn bè thế giới, và góp phần chuẩn bị hồ sơ pháp lý phù hợp với công pháp quốc tế để phục vụ đấu tranh pháp lý lâu dài, và để khởi kiện ra tòa quốc tế khi điều kiện và thời cơ chín muồi. Triển lãm bắt đầu từ đầu tháng 6/2013, một năm sau đó, khi xảy ra sự kiện giàn khoan thì càng cho thấy mục tiêu công khai, công luận và công pháp là hoàn toàn đúng đắn và không thể chậm trễ hơn được nữa.
Mỗi cuộc Triển lãm trong đất liền đều thu hút từ nửa vạn đến hơn một vạn lượt người xem. Đơn cử, theo báo cáo tổng hợp, ở Hà Tĩnh có 12.000 lượt và TP.HCM 18.000 lượt người xem. Một số tỉnh chưa được Bộ TT&TT đưa vào kế hoạch triển lãm cũng chủ động tự mượn tư liệu của đơn vị đã tổ chức và được tặng, để tổ chức triển lãm. Điển hình là tỉnh Bắc Kạn, đã mượn tư liệu của tỉnh Thái Nguyên và tổ chức thành công Triển lãm tại TP Bắc Kạn vào tháng 2/2014, tại thời điểm từ khi chưa xảy ra vụ Giàn khoan Hải Dương 981.
Sau mỗi cuộc triển lãm do Bộ tổ chức tại địa phương và Bộ trao tặng lại toàn bộ tư liệu cho địa phương, đến lượt mình, địa phương tiếp tục mang đi triển lãm lưu động ở các địa bàn khác nữa trong các huyện. Chuỗi sự kiện diễn ra như một cuộc chạy tiếp sức, tạo nên hiệu quả sâu rộng. Điển hình như tỉnh Quảng Nam. Bộ TT&TT tổ chức tại thành phố Tam Kỳ, có 253 đoàn khách tham quan với 8000 lượt người xem. Sau đó, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức triển lãm lưu động tại 3 huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước, có 251 đoàn khách tham quan với 6.000 lượt người xem.
Theo cách chạy tiếp sức đó, với 41 cuộc triển lãm vừa qua, ước tính có hơn 300 nghìn người đến xem và nghiên cứu trực tiếp, phục vụ truyền thông, nghiên cứu, học tập. Với kế hoạch tiếp tục của 2 năm tới, Triển lãm sẽ sớm vượt quá con số 1 triệu lượt người dân tiếp cận trực tiếp tư liệu, hiện vật, từ triển lãm.
Trong sổ cảm tưởng đặt tại triển lãm, một người dân đã ghi ý kiến của một mình như sau: “Trăm nghe không bằng một thấy, đến xem triển lãm mới hiểu rõ cái lý cái tình của cha ông chúng ta trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển của Tổ quốc.”
Thông tin bằng cách kể chuyện thị giác qua kênh hình ảnh trực tiếp từ triển lãm là phù hợp với đông đảo người dân, đã tạo ra hiệu ứng đặc biệt, lan tỏa xa và nhanh, tác động sâu và mạnh vào nhận thức.
Thứ hai là thành công về khởi động câu chuyện pháp lý.
Bên cạnh thành công của một chiến dịch truyền thông, Triển lãm còn trình bày cho người xem về một câu chuyện pháp lý khá mạch lạc và có hệ thống xung quanh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Chúng ta đều biết, từ lâu, các cơ quan chức năng đang xây dựng bộ hồ sơ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tức “cuốn sổ đỏ” Biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết cụ thể đó là gì. Vì đó đang còn là bí mật quốc gia.
Với Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Những bằng chứng lịch sử, pháp lý”, lần đầu tiên, người xem tiếp cận câu chuyện pháp lý một cách cơ bản nhất. Hình thành cho người xem một khung tham chiếu về pháp lý thông qua 11 nhóm tư liệu, hiện vật cơ bản.
Thứ ba, thành công của Triển lãm cũng chính là trưng bày lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, trách nhiệm và bổn phận của Lãnh đạo và công dân đối với biển đảo thiêng liêng.
Triển lãm gây được cảm xúc về lòng yêu nước, tình cảm dân tộc, gia tăng sức mạnh đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân và giữa người dân với Đảng, Nhà nước, xây dựng lòng tin trong nhân dân. Triển lãm cũng là nơi để các em học sinh thực hành bài ngoại khóa về lịch sử chủ quyền biển đảo mà cho tới bây giờ không hiểu vì lý do gì mà Bộ Giáo dục vẫn chưa đưa vào sách giáo khoa lịch sử.
Em Nguyễn Võ Duệ Nhã, lớp 6/3 trường THCS Kim Đồng, Đà Nẵng, viết vào sổ cảm tưởng ngày 19/1/2014 như sau: “Từ nhỏ em rất thích được khám phá lịch sử nước ta. Em đã được biết rất nhiều vị vua, những trận đánh vẻ vang của nước ta. Mặc dù vậy, nhưng em chưa được tìm hiểu về Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi xem các hiện vật ở đây, em càng được hiểu biết nhiều hơn về HS và TS. Em đã được biết từ năm 1974, Trung Quốc sang đánh chiếm HS và TS của nước ta, nhân dân ta đã kiên quyết chống trả lại chúng”.
Thứ tư là kết quả về hiệu lực quản lý Nhà nước về truyền thông.
Tháng 3/2010, Thủ tướng Chính phủ duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” nhằm triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của BCH TƯ Đảng khóa X (Chiến lược này được TƯ phê duyệt từ năm 2007). Tháng 12/2012, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về tăng cường công tác sưu tầm, thẩm định, công bố sử dụng tài liệu, bản đồ, ấn phẩm và khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức đã sưu tầm và hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Mặc dù vậy, công việc triển khai vẫn còn chậm. Cho đến khi lãnh đạo Bộ TT&TT quyết đoán chỉ đạo tổ chức thực hiện Triển lãm và khi hình thức truyền thông này được lựa chọn thành công thì các văn bản nói trên như thực sự được tiếp thêm sức mạnh để vận hành trong thực tế quản lý nhà nước.
Các cuộc triển lãm đều có sự chỉ đạo truyền thông chặt chẽ. Trong đó, các binh chủng thông tin được phối hợp với nhau, tiếp sức cho nhau. Thông tin cơ sở với hình thức triển lãm trực tiếp này được nối dài và lan tỏa bởi truyền thông đại chúng ở mỗi lần tổ chức.
Bên cạnh truyền thông nhanh về tính thời sự của sự kiện, còn có truyền thông chậm để khai thác nhiều góc độ khác nhau của Triển lãm: Pháp lý, văn hóa, môi trường, lịch sử… Khái niệm truyền thông nhanh và truyền thông chậm lần đầu được vận dụng tại nước ta để chỉ đạo truyền thông cho các cuộc Triển lãm này. Có thể nói, sức mạnh truyền thông được huy động tổng lực cho mỗi một sự kiện Triển lãm.
Thứ năm, Triển lãm là cuộc trưng bày về lòng tri ân.
Chúng ta tri ân những người dân giữ biển giữ đảo, giữ ngư trường truyền thống. Tri ân đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải, tri ân những thủy binh Hoàng Sa triều Nguyễn. Tri ân những tử sĩ, liệt sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo qua các triều đại khác nhau. Tri ân những những người dân hôm nay, bà con trong nước, Việt kiều ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã bỏ công sức, tiền của để sưu tầm tư liệu, hiện vật, rồi hiến tặng tư liệu, hiện vật để cho chúng ta chuẩn bị và tiếp tục cuộc đấu tranh pháp lý đòi lại biển đảo của cha ông chúng ta. Tri ân những bạn bè thế giới đã ủng hộ Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc. Trong đó, có Thủ tướng Hà Lan, đã trao tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tấm bản đồ góp phần xác định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Việt Nam từ trong lịch sử.
Thẳng thắn nhận diện 5 hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở cũng đã thẳng thắn chỉ rõ 5 điểm hạn chế trong công tác tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Một là, Triển lãm vẫn còn thiếu phần hơi thở hiện thực đang xảy ra, thiếu phần đóng góp của kênh chuyên gia về những diễn biến mới nhất để tăng sức thu hút nhiều đối tượng chuyên sâu nghiên cứu cập nhật một cách chính thống. Về phần địa phương, tuy có đóng góp tư liệu nhưng chưa thật phong phú.
Hai là, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để cập nhật thông tin chuẩn xác phục vụ người xem, còn chậm. Ví dụ, thông tin về bãi Bàn Than còn khác nhau trên một số tư liệu, Vụ Thông tin cơ sở đã nêu ý kiến với các đơn vị có trách nhiệm, nhưng còn bị chậm giải thích.
Ba là, chậm đổi mới mô hình triển lãm, chậm bổ sung cải tiến hình thức gây hấp dẫn thị giác để tạo ra điều mới mẻ qua những đợt triển lãm.
Bốn là, cần khắc phục bớt tính hàn lâm, cần biểu đạt sao cho hấp dẫn và dễ hiểu hơn nữa. Tên gọi Triển lãm rất hay, ngắn gọn, chắc và khỏe. Tuy nhiên ngôn ngữ biểu đạt vẫn còn sơ sót trong chú thích, trong pano ap phích (đã “triển lãm” lại còn “trưng bày”, đã bản đồ lại còn “tư liệu”, còn nhầm chú thích giữa đảo và đá, còn nhầm lẫn “biển cả” như một khái niệm vùng biển quốc tế với vùng biển quê hương - đảo là nhà, biển cả là quê hương v.v…). Cần tăng cường phần thuyết minh tự động qua đĩa để phục vụ khách đơn lẻ đến tham quan tìm hiểu.
Và năm là, cần khắc phục hạn chế về kinh phí thực hiện tổ chức triển lãm. Hiện nay, ở nhiều nơi, sau khi triển lãm, tư liệu được tặng lại toàn bộ cho địa phương nhưng lại lấy lại khung và giá trưng bày. Nhiều địa phương có ngập ngừng ngỏ ý với ban tổ chức và muốn ban tổ chức tặng luôn khung và giá trưng bày, nhưng ban tổ chức cũng ngập ngừng rồi nói không, vì thiếu kinh phí và thiếu điều kiện để thực hiện cho những nơi khác.
Theo Infonet