Bài thuốc này còn dùng để chữa đàn ông bị hư yếu tinh huyết, đàn bà bị sản hậu, tích huyết, phát sốt nóng dai dẳng.

Thành phần

Bài Tứ vật dùng đương quy là chủ vị để chữa huyết (bổ và ôn), sinh địa (hay thục địa) và bạch thược là để bổ âm huyết và liễm âm phận. Xuyên khung để hỗ trợ tính ôn bổ của ba vị trên. Thành phần bài thuốc gồm: Xuyên khung 12g, đương quy 15g, bạch thược 12g, thục địa 15g, sắc uống hàng ngày lúc nóng.

Tính dược của bài thuốc

Đương quy vị ngọt cay, tính ấm, mùi thơm, đi vào ba kinh tâm, can, tỳ. Đương quy có tác dụng bổ huyết, làm huyết lưu thông, điều hòa kinh nguyệt, làm nhuận tràng. Y học cổ truyền dùng đương quy như đầu vị bổ huyết, chữa suy nhược, các trạng thái mệt mỏi của cơ thể, đau lưng, mỏi gối, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Thục địa là sinh địa đem đồ chính và sao tẩm thành. Thục địa có vị ngọt, tính hơi ôn vào 3 kinh tâm, can, thận, có tác dụng bổ thận dưỡng âm, làm đen râu tóc, chữa huyết hư, kinh nguyệt không đều, tiêu khát, âm hư, ho xuyễn. Liều dùng từ 10 - 15g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng thường dùng phối hợp với các thuốc khác. Về y học hiện đại, dựa theo nhiều nghiên cứu của Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên thì sinh địa có tác dụng làm hạ đường huyết, ức chế adrenalin, làm mạnh tim và lợi tiểu. Ngoài ra còn có tác dụng cầm máu.

images1052395_98fbai_thuoc_co_tri_thieu_mau.jpgẢnh minh họa.


Xuyên khung vị cay, tính ấm có mùi thơm, vào ba kinh can, đởm và tâm bào, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, trừ phong, giảm đau. Đông y dùng xuyên khung để dưỡng huyết, điều kinh, chữa phong thấp, nhức mỏi xương khớp, cảm mạo, nhức đầu, bụng đầy trướng hoặc bị ung nhọt.

Nghiên cứu hiện đại cho biết, xuyên khung có tác dụng ức chế thần kinh trung ương trên vật thí nghiệm, liều cao làm tê liệt cơ tim, gây dãn mạch ngoại biên, làm hạ huyết áp. Xuyên khung còn có tác dụng kháng sinh, ức chế nhiều loại vi khuẩn như thương hàn, phó thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lỵ và cả vi khuẩn mủ xanh. Kiêng kỵ với người âm hư hỏa vượng và phụ nữ có thai.

Bạch thược vị chua, hơi đắng, lạnh đi vào ba kinh tỳ, phế, can, có tác dụng dưỡng huyết, liễm âm, bình can, chỉ thống (giảm đau). Đông y dùng bạch thược để chữa chứng âm huyết hư, phát sốt, ra mồ hôi trộm, đau bụng, tả lỵ tức ngực, thấy kinh đau, kinh không đều, ho đờm, tiểu tiện khí.

Nghiên cứu dược lý cho biết, nước sắc bạch thược gây tăng nhu động dạ dày, ruột, liều cao gây ức chế. Bạch thược có tác dụng kháng sinh đối với nhiều chủng vi khuẩn như thương hàn, lỵ Shiga, phẩy khuẩn tả, bạch hầu, phế cầu khuẩn... Người đầy bụng, chậm tiêu không dùng bài này.

Kiêng kỵ đối với bài tứ vật thang

Hai vị xuyên khung, đương quy trong bài thuốc có tính "động" là "dương vị", dùng để điều khí trong huyết; hai vị thục, thược có tính "tĩnh" là "âm vị", dùng để bổ huyết. Nếu người bệnh mắc chứng âm quá hư yếu thì nên bỏ cả hai vị khung, quy; còn nếu dương quá suy thì nên dùng thêm khương, quế.

Ở những người bị mất máu nhiều sắp nguy đến tính mạng thì không dùng bài thuốc này, phải dùng bài có sâm, kỳ. Người tỳ vị quá hư yếu cũng không được dùng bài này. Vị xuyên khung có tính hành khí nên liều lượng phải vừa phải, tùy trường hợp không nên dùng nhiều và kéo dài. Người bị sản hậu dùng bạch thược phải được tẩm rượu, sao kỹ.

                                                           Theo Alobacsi.vn