(Baonghean) - Bảo tàng Quân khu 4 đang lưu giữ một hiện vật khá đặc biệt - chiếc áo lụa Bác Hồ tặng ông Nguyễn Văn Uy - Đội trưởng Đội tự vệ đỏ Yên Phúc (nay là Phúc Sơn - Anh Sơn).

Nói đến ông Nguyễn Văn Uy (1890- 1968), đến nay các thế hệ người dân Anh Sơn, đặc biệt là xã Phúc Sơn luôn bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân làng Yên Phúc (phủ Anh Sơn), sớm phải chứng kiến cảnh cay đắng, khổ nhục của người dân nô lệ và sự tàn bạo của bọn thực dân - phong kiến nên sớm giác ngộ lý tưởng.

Hưởng ứng phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, năm 1930- 1931 người dân Yên Phúc tổ chức các cuộc biểu tình đòi chính quyền thực dân - phong kiến bãi bỏ sưu thuế và những bất công xã hội. Quần chúng làng Yên Phúc đã kéo đến trừng trị bọn hào lý trong vùng, thành lập chính quyền Xô Viết, và tổ chức chia lại ruộng đất cho dân nghèo.

images1980958_nguyen_van_uy_1.jpgÔng Nguyễn Văn Uy. Ảnh tư liệu

Xác định sớm muộn gì chính quyền thực dân - phong kiến sẽ trở lại đàn áp phong trào cách mạng, Đảng chủ trương thành lập các đội Tự vệ đỏ với nhiệm vụ hỗ trợ quần chúng trong các cuộc đấu tranh cách mạng và bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ. Ở Anh Sơn lúc ấy có 27 đội Tự vệ đỏ, trong đó làng Yên Phúc là một trong những nơi có đội Tự vệ được thành lập sớm và hoạt động có quy củ nhất.

Dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Văn Uy, Tự vệ đỏ Yên Phúc đã nhiều lần tiến hành trừng trị, thẳng tay trấn áp những tên ác ôn trong bộ máy cai trị. Lực lượng tự vệ thực sự là chỗ dựa quan trọng của quần chúng nhân dân và tổ chức Đảng.

Cuối năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đi vào giai đoạn thoái trào, ở Yên Phúc giai đoạn này là những ngày đen tối, bởi làng mạc bị đốt phá, khắp nơi diễn ra cảnh khám xét, bắt bớ và đánh đập, tra tấn dã man. Nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, làng mạc vào chốn rừng sâu, nơi giáp ranh với vùng biên giới Việt – Lào để tránh sự truy lùng của kẻ địch.

Ông Nguyễn Văn Uy chỉ huy đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc. Ảnh tư liệu

Đội trưởng Đội Tự vệ đỏ Nguyễn Văn Uy sa vào tay địch, bị giam tại nhà lao Vinh, sau đó chuyển vào ngục Kon Tum. Trong chốn lao tù, người con ưu tú của làng Yên Phúc bị dùng nhục hình dã man, tàn bạo để tra tấn nhưng luôn quyết tâm giữ vững bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản.

Ông cùng các bạn tù tổ chức đấu tranh đòi một số quyền lợi, buộc bọn cai ngục phải phải nhượng bộ. Nhà ngục Kon Tum giờ đây đã trở thành một di tích, nơi ghi dấu tội ác và sự man rợ của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Đồng thời, cũng là nơi khẳng định tấm lòng kiên trung và ý chí của những người cộng sản trong chốn lao tù.

Tại đây, câu chuyện về một tù nhân có biệt danh cố Uy, quê làng Yên Phúc, phủ Anh Sơn (Nghệ An) - một trong những người đứng đầu các cuộc đấu tranh khiến bọn cai tù phải kiêng dè luôn được các thuyết minh viên thường nhắc tới.

Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng ông Nguyễn Văn Uy được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Công Kiên

Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh và phát triển rộng khắp, buộc chế độ thực dân- phong kiến buộc phải thả một số tù nhân. Nguyễn Văn Uy là một trong những người được ra khỏi tù, trở về quê hương sau gần 15 năm sống trong ngục tối. Như con chim được trở lại với bầu trời, ông tìm cách liên hệ với cơ sở cách mạng để tiếp tục tham gia đấu tranh.

Những ngày mùa Thu lịch sử, không khí đấu tranh cách mạng ở Yên Phúc bắt đầu sục sôi. Ngày 18/8, nhân dân Yên Phúc và các tổng tràn về trung tâm phủ Anh Sơn tham gia cuộc mít tinh. Tiếp đến, đêm 22/8/1945, ông Nguyễn Văn Uy lại dẫn đầu Đội Tự vệ làng Yên Phúc, phối hợp với các làng trong tổng chia thành 4 hướng tiến vào đồn Kim Nhan, khí thế cách mạng như “nước vỡ bờ” khiến bọn lính Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng.

Chiếm được đồn Kim Nhan, Đội tự vệ và nhân dân Yên Phúc trở về làng tiếp tục đấu tranh với bọn hào lý, buộc chúng đầu hàng và giao nộp ấn tín, là nơi giành được chính quyền sớm nhất ở phủ Anh Sơn. Sáng hôm sau, người dân Yên Phúc và hàng vạn quần chúng khắp trong vùng kéo về phủ đường chứng kiến giờ phút ra mắt của chính quyền cách mạng lâm thời, chế độ thực dân - phong kiến chính thức bị xóa bỏ.

Chiếc áo lụa Bác Hồ gửi tặng ông Nguyễn Văn Uy là món quà do Hội mẹ chiến sỹ Hoa - Việt và Hội LHPN Thị xã Lạng Sơn gửi tặng Bác. Ảnh: Công Kiên

Đất nước, quê hương được độc lập, tự do, người dân Yên Phúc lại ghi nhận ông Nguyễn Văn Uy là người đi đầu trong việc vận động nông dân khai hoang sản xuất. Trong dịp về thăm quê lần thứ nhất (6/1957), được nghe câu chuyện về tấm gương chiến đấu của chiến sỹ cách mạng Nguyễn Văn Uy, Bác Hồ đã nhờ Tỉnh ủy Nghệ An trao tặng chiếc áo lụa, là món quà do Hội mẹ chiến sỹ Hoa - Việt và Hội LHPN Thị xã Lạng Sơn gửi tặng Bác.

Một năm sau, ông Uy được ra thủ đô dự Đại hội Nông nghiệp toàn miền Bắc và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và vinh dự được tặng huy hiệu của Người.

Làng quê Yên Phúc đã thực sự đổi thay, đời sống mọi mặt đã khởi sắc, bà con nhân dân luôn ghi nhớ công lao và máu xương của các bậc tiền nhân. Trong đó phải kể đến ông Nguyễn Văn Uy, người chiến sỹ cộng sản kiên trung đã làm rạng danh quê hương./.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN