Lần đầu tiên xin phép ông đến nhà phỏng vấn, ông vui vẻ nhận lời. Tôi hỏi ông về bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, hỏi về những kỷ niệm của ông với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ông trả lời say sưa, mắt ông lấp lánh vui khi nhắc về Huế, về những địa danh miền núi như A Lưới, Nam Đông, nơi những bà mẹ dân tộc Tà Ôi dũng cảm, kiên cường.
Ông nói: “Ngoài kiến thức sách giáo khoa mang lại, học trò cần điều gì? Đó là cảm xúc, tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Với những bài thơ đã được phổ nhạc, muốn chương trình thiếu nhi thật hấp dẫn, hãy cho các cháu nghe bài hát, sẽ thẩm thấu hơn bao giờ hết. Một phóng viên giỏi đó là người biết phát hiện vấn đề và mạnh dạn làm mới”.
Khi nhắc đến bài thơ “Ông đồ”, ông trầm ngâm, tư lự: “Một nét đẹp văn hóa bị mai một, bị lãng quên. Đó là nỗi đau của lớp nho sĩ xưa. Học trò thời nay khi học bài thơ này, liệu các cháu có hình dung ra thời cuộc lúc bấy giờ không? Bây giờ người ta khôi phục lại nét xưa ấy nhưng có phần hiện đại quá, khiên cưỡng nữa. Do vậy, khi cung cấp thêm những điều ngoài văn bản, chương trình văn nghệ thiếu nhi cần bổ trợ những kiến thức về văn hóa, lịch sử của Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 để học trò có thêm vốn hiểu biết”.
Những điều ông chia sẻ thực sự quý báu, ông chỉ cách cho tôi tiếp cận vấn đề theo một lối khác, luôn có tính phát hiện và đầy sáng tạo. Ông bảo rằng, phải nói thêm những gì học trò chưa biết, chưa được nghe...
Sau cuộc phỏng vấn, ông bảo với tôi rằng, cái khéo của người phóng viên là biết khơi gợi vấn đề để người được phỏng vấn trả lời vừa trung thực mà sâu sắc, trí tuệ mà giản dị. Những điều ông chỉ bảo ghim vào tôi, tôi lắng nghe như nuốt từng lời, tôi thầm biết ơn ông bởi ông đã cho tôi hiểu rằng, phải thực sự yêu nghề, say mê nghề thì mới có thể làm tốt công việc mà mình đang theo đuổi.
Lần khác, tôi gửi cho ông mấy bài báo tôi viết về chân dung nghệ sĩ, nhờ ông xem. Mấy hôm sau, ông gửi thư điện tử trả lời rất chi tiết, tỉ mỉ.
Ông có khen có chê, bày cho tôi cách viết về chân dung, hay viết ký thì như thế nào. Ông nhận xét cách dùng từ ngữ, câu cú, văn phong, viết phải chắt lọc, phải thực sự rung động thì bạn đọc mới tìm đến mình, đón đợi mình. Viết không được cẩu thả, phải thận trọng. Văn là thể hiện con người, thể hiện nhân cách và tài năng. Mình còn trẻ thì phải học, không ngừng học hỏi thì mới tiến bộ. Viết đi, mỗi ngày một ít, sẽ quen tay, sẽ trưởng thành. Đó là những điều ông viết cho tôi, thực sự thấm thía và sâu sắc.
Ông quá nhiều việc nhưng vẫn sắp xếp thời gian đọc, nhận xét và phản hồi kịp thời khi tôi mở lời nhờ ông. Ông đang giữ mấy bài thơ tôi viết cách đây 4 năm, ông bảo “Có bài thơ rất hay về mẹ, anh sẽ phổ nhạc”. Bài thơ ấy sẽ không trở thành bài hát, người nhạc sĩ ấy đã thành người thiên cổ mất rồi.
Xin được viếng ông bằng bài thơ “Lần cuối” tôi mới viết sau khi nghe tin ông mất, như một nén tâm nhang thương tiếc và biết ơn ông - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:
ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn"
lặng nhìn ông, ông không nhận ra
hát ông nghe khúc ruột miền Trung
ông khóc.
Lần cuối ông nghe hát
không phải trên sân khấu
không rượu không hoa
không tiếng cười.
"chia cho em một đời tôi
một cay đắng, một niềm vui, một buồn"
tôi hát
và tôi khóc.
căn phòng âm âm giọng buồn.
Lần cuối ông nghe hát
lời ca vắt từ tim tôi.