Ngày 23/1/2018, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, sau khi Báo Nghệ An phản ánh việc hàng chục giáo viên trên địa bàn không được hưởng phụ cấp “tái thu hút”, huyện đã tổ chức một cuộc làm việc. Tham gia buổi làm việc có Chủ tịch, các phó Chủ tịch UBND huyện, phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện, lãnh đạo phòng Nội vụ qua các giai đoạn, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
“Buổi làm việc đã tiến hành xem xét, rà soát các nội dung báo nêu và tình hình thực tế trên địa bàn huyện có liên quan đến 19/2013/NĐ-CP chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trường chuyên biệt, vùng khó khăn. Sau đó, đại diện lãnh đạo UBND huyện đã làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND huyện giai đoạn 2010- 2015 (nay là Bí thư Huyện ủy), làm việc với cả cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an Nghệ An và ông Đậu Xuân Quyền - Trưởng phòng Ngân sách huyện xã, Sở Tài chính, để có thông tin cụ thể”, ông Quế cho hay.
“Để khắc phục sự mất cân đối giáo viên kể trên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các trường, năm 2008, UBND huyện đã ban hành quy chế luân chuyển giáo viên để điều hòa giáo viên giữa các vùng. Năm 2016, thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, UBND huyện tiếp tục ban hành Đề án “Bố trí, sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” với nguyên tắc ưu tiên tối đa bố trí nơi công tác gần nơi cư trú, khoảng cách đến trường của tất cả giáo viên từ nơi cư trú đến nơi công tác không quá 10 km (đường bộ), 7 km (nếu phải qua đò). Hiện nay đã thực hiện xong bậc tiểu học, được giáo viên đồng tình ủng hộ cao”, văn bản do Phó Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã ký nêu.
Theo UBND huyện Thanh Chương thì từ trước đến nay, các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhà giáo và cán bộ quản lý công tác tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ đã được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ngành chức năng và các nhà trường chi trả đầy đủ, đúng đối tượng, đúng chế độ và bám sát các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 810 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đang được hưởng phụ cấp lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn với số tiền hiện hưởng năm 2017 hơn 5,3 tỷ đồng.
Theo Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 19/2013/NĐ-CP quy định “...hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn..”.
“Căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn huyện Thanh Chương như đã nêu trên, nếu áp dụng chi trả phụ cấp tái thu hút theo Nghị định 19 là không phù hợp, mất công bằng và tạo xáo trộn lớn cho đội ngũ giáo viên trong toàn ngành”, UBND huyện Thanh Chương khẳng định.
Huyện Thanh Chương cho rằng, đối với khoản phụ cấp “tái thu hút” theo Nghị định 19/2013/NĐ-CP của Chính phủ mà Báo Nghệ An phản ánh, có 39 giáo viên chưa được hưởng. Thực tế trong danh sách này có 7 giáo viên và 32 cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã được UBND huyện bố trí làm công tác quản lý tại các trường thuộc vùng miền núi khu vực 3 từ năm 2006 đến năm 2016.
“Đối với 7 giáo viên, đây là những người có hộ khẩu thường trú tại huyện Thanh Chương, sau khi tốt nghiệp CĐSP Nghệ An được UBND tỉnh tuyển dụng vào biên chế của huyện Thanh Chương và được điều động đi tăng cường cho các huyện miền núi cao Kỳ Sơn, Tương Dương. Hết thời hạn (3 năm đối với nữ, 5 năm đối với nam), số giáo viên này được bố trí về công tác tại các trường THCS của huyện Thanh Chương (về nơi tuyển dụng ban đầu trước khi luân chuyển) nên không đủ điều kiện để hưởng phụ cấp “tái thu hút”.
Còn với 32 cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), theo quy định tại điều lệ trường mầm non, điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường THCS và Quyết định 66/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, thì trong các quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển của UBND huyện là qui định thời gian giữ chức vụ quản lý theo nhiệm kỳ là (5 năm) không phải là thời gian luân chuyển có thời hạn, nên không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp “tái thu hút””, văn bản của UBND huyện Thanh Chương kết luận.
Công an vào cuộc vụ 'nhiều giáo viên ở Nghệ An mòn mỏi chờ phụ cấp'
Trong khi đó, về việc ông Đặng Văn Hóa - Trưởng Phòng GD&ĐT trả lời trên Báo Nghệ An, UBND huyện Thanh Chương cho hay, tại buổi làm việc ông Hóa cho biết, trong quá trình trao đổi với phóng viên, ý của ông Hóa nói là: “Nếu đánh đồng thời gian giữa nhiệm kỳ làm quản lý với thời hạn luân chuyển theo quy định tại Nghị định số 19/2013/NĐ-CP thì ông Nguyễn Văn Lương được hưởng chế độ “tái thu hút”. Còn nếu tách bạch ra thì không đủ điều kiện được hưởng phụ cấp “tái thu hút”.
“Việc ông Đậu Xuân Quyền - Trưởng phòng Ngân sách huyện xã - Sở Tài chính khi phóng viên cho xem quyết định của ông Nguyễn Văn Lương, ông Quyền khẳng định “trường hợp này chắc chắn được hưởng phụ cấp”, diện lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp làm việc với ông Quyền, thì ông Quyền đã trao đổi: “Lúc phóng viên đưa quyết định do chưa xem kỹ, nên ông nhầm lẫn thời gian bổ nhiệm theo nhiệm kỳ sang thời gian luân chuyển có thời hạn, nên đã khẳng định như báo đã nêu, còn nếu quyết định ghi bổ nhiệm theo nhiệm kỳ quản lý không phải là luân chuyển có thời hạn thì không được hưởng tái thu hút”, văn bản của UBND huyện Thanh Chương nêu.
Trước đó, Báo Nghệ An đã có hai bài phản ánh về việc 39 giáo viên trên địa bàn huyện Thanh Chương đến nay vẫn chưa được hưởng phụ cấp “tái thu hút”. Nhiều giáo viên cho hay, họ nhiều lần khiếu nại nhưng vẫn không được giải quyết.
Làm việc với phóng viên Báo Nghệ An, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương khẳng định, đã tập hợp hồ sơ trình hội đồng liên sở nhưng không được phê duyệt vì bị “bắt bẻ câu chữ” trong quyết định luân chuyển của những giáo viên này.
Trong khi đó, ông Đậu Xuân Quyền - Trưởng Phòng Ngân sách huyện xã (Sở Tài chính), lại cho rằng, huyện chưa trình hồ sơ lên để phê duyệt. Sau khi xem quyết định luân chuyển của thầy Nguyễn Văn Lương, một trong những trường hợp chưa nhận được phụ cấp, ông Quyền khẳng định “trường hợp này được hưởng phụ cấp” nhưng do huyện không trình lên để phê duyệt. Sau đó, lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương lại cho hay, từ trước đến nay huyện chưa áp dụng Nghị định này.