(Baonghean) - Trong khi Trưởng Phòng GD&ĐT Thanh Chương cho rằng hàng chục giáo viên trên địa bàn đủ tiêu chí để được hưởng phụ cấp tái thu hút nhưng Sở GD&ĐT không phê duyệt, thì Chủ tịch UBND huyện lại cho hay, từ trước đến nay, huyện không triển khai áp dụng chính sách này.

Những ngày cuối tháng 12, sau khi Báo Nghệ An phản ánh tình trạng giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp, một tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 46, Công an tỉnh Nghệ An) đã trực tiếp làm việc với Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và một số phòng liên quan của UBND huyện Thanh Chương.

Theo ông Đặng Văn Hóa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, Phòng Cảnh sát kinh tế đã gửi công văn đề nghị Phòng GD&ĐT và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Chương cung cấp tài liệu và phối hợp với công an để điều tra. “Phòng Cảnh sát kinh tế xác minh nội dung bài báo “Giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp tái thu hút” đăng trên Báo Nghệ An, phản ánh về việc 39 giáo viên không nhận được phụ cấp tái thu hút…”, công văn do Trung tá Nguyễn Xuân Thái - Phó phòng PC 46 nêu. “Chúng tôi đã cung cấp nhiều văn bản, tài liệu liên quan cho phía cảnh sát. Đúng sai như thế nào sẽ chờ kết luận của họ” - ông Hóa nói và cho hay, ông vẫn bảo lưu quan điểm “huyện đã trình hồ sơ lên hội đồng liên sở nhưng không được phê duyệt”.

1514454761313.jpgTrường THCS Kim Lâm, nơi thầy Nguyễn Văn Lương làm hiệu trưởng suốt 8 năm. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra vào ngày 18/12, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay, từ trước đến nay huyện chưa triển khai áp dụng chính sách này.

“Huyện không thực hiện chế độ này vì những xã đặc biệt khó khăn ở Thanh Chương trên thực tế nằm sát với vùng đồng bằng, ngày xưa giáo viên thường xung phong vào đó để dạy chứ không phải vì khó khăn quá, không ai chịu vào nên huyện mới điều động” - ông Quế nói trước các đại biểu về nội dung mà Báo Nghệ An phản ánh.

Người đứng đầu UBND huyện Thanh Chương cho rằng, trước đây các giáo viên thường làm đơn xin vào xã khó khăn dạy để được cộng hệ số cao hơn, được hưởng thêm phụ cấp thu hút suốt 5 năm. “Gọi là xã đặc biệt khó khăn nhưng không hẳn xa xôi như ở các huyện 30a nên giáo viên rất muốn vào đó để được hưởng chế độ. Một số giáo viên thậm chí không chịu chuyển về mặc dù đã được sắp xếp” - ông Quế nói và cho hay, trên quyết định luân chuyển của 39 giáo viên không phải là thời hạn luân chuyển mà là nhiệm kỳ bổ nhiệm.

“Nếu huyện thực hiện chính sách tái thu hút này thì không chỉ 39 người mà có rất nhiều giáo viên khác cũng được hưởng. Tôi khẳng định là huyện Thanh Chương không triển khai chính sách này, tuy nhiên do nhiều giáo viên thắc mắc nên Phòng GD&ĐT có tổng hợp hồ sơ để gửi lên Sở nhưng Sở trả về” - ông Nguyễn Văn Quế nói. 

Trước những thông tin mà ông Quế nói, thầy Nguyễn Văn Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm cho rằng, Chủ tịch UBND huyện sai. Thầy Lương trước đây từng nhiều năm công tác ở các xã vùng cao của huyện Tương Dương, sau đó được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Cát Văn. Năm 2009, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương ký quyết định luân chuyển thầy Lương lên làm Hiệu trưởng Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn). 

“Thời điểm đó, trường này mới thành lập được 3 năm, con em chủ yếu là người dân tộc Thái được chuyển từ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở Tương Dương về đây tái định cư. Do tôi có kinh nghiệm nhiều năm công tác ở vùng đồng bào dân tộc Thái, là hiệu trưởng duy nhất ở Thanh Chương lúc đó biết tiếng Thái nên huyện vận động tôi lên đó làm hiệu trưởng” - thầy Lương kể và cho hay, ông không hề xung phong hay viết đơn xin lên xã vùng cao này công tác.

Đến năm 2014, khi đã hết thời hạn luân chuyển, huyện Thanh Chương vẫn không sắp xếp được để thầy Lương trở về nhưng khoản tiền “tái thu hút” thầy lại không được nhận. “Lúc đó tôi làm hiệu trưởng ở Cát Văn, nhà thì sát ngay cổng trường. Trong khi lên xã Thanh Sơn mất 35 km, tôi phải ở nội trú. Một tuần mới về nhà được một lần. Rất khổ sở. Huyện vận động nghĩa vụ phải đi nên tôi mới đi chứ làm gì có chuyện xin luân chuyển. Nhà nước đã có chính sách thì huyện phải thực hiện chứ sao lại như vậy được” - vị hiệu trưởng vừa nghỉ hưu 3 tháng trước bức xúc. 

Trước đó, như Báo Nghệ An đã phản ánh, theo Nghị định 19/2013 của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 4/2013), nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa được sắp xếp, luân chuyển trở về thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% hệ số lương của bậc chức danh nghề nghiệp hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)… Khoản tiền này vẫn thường được gọi là “phụ cấp tái thu hút”

Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An, nhiều giáo viên thuộc trường hợp như vậy đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền này. Tại huyện Thanh Chương, có 39 giáo viên được xác định thuộc trường hợp này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp với tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho rằng, những giáo viên này xứng đáng được hưởng phụ cấp. “Hồ sơ của các thầy chúng tôi đã phê duyệt nhưng hội đồng thẩm định của liên sở không đồng ý thì chịu. Họ bắt bẻ câu chữ trong quyết định luân chuyển trước đây của các thầy” - ông Hóa nói và cho hay, hội đồng thẩm định này gồm cả Sở GD&ĐT và Sở Tài chính. 

Theo ông Hóa, hội đồng thẩm định cho rằng, trong quyết định luân chuyển của những giáo viên này trước đây không nêu thời hạn. “Họ bắt bẻ từng chữ như vậy thì chịu”, ông Hóa nói và khẳng định từ khi Nghị định có hiệu lực, năm nào huyện Thanh Chương cũng phê duyệt hồ sơ, sau đó trình lên hội đồng liên sở thẩm định nhưng bị từ chối. 

Ông Đậu Xuân Quyền - Trưởng Phòng Ngân sách xã huyện, Sở Tài chính cho hay, theo quy trình, sau khi tổng hợp hồ sơ của giáo viên, các trường học sẽ gửi về Phòng GD&ĐT. Chủ tịch UBND huyện cùng với Trưởng phòng GD&ĐT có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ rồi trình lên hội đồng liên sở gồm Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT) và Phòng Ngân sách xã huyện (Sở Tài chính), để phê duyệt. Hội đồng liên sở sau khi thẩm định tiếp tục gửi lên UBND tỉnh tổng hợp để gửi ra các bộ. 

“Tuy nhiên, từ khi Nghị định này có hiệu lực từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh chỉ có mỗi huyện Quế Phong là trình hồ sơ lên để chúng tôi phê duyệt. Các huyện khác không thấy động tĩnh gì” - ông Quyền nói và cho hay, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 6 giáo viên ở Quế Phong được hưởng phụ cấp này với tổng số tiền gần 200 triệu đồng chi trả mỗi năm.

Sau khi được phóng viên Báo Nghệ An cho xem quyết định luân chuyển của thầy Nguyễn Văn Lương, ông Quyền khẳng định, trường hợp này chắc chắn được hưởng phụ cấp, nhưng “không hiểu sao huyện không trình lên để phê duyệt”. “Theo thông tư hướng dẫn, những quyết định luân chuyển không nêu rõ thời hạn công tác thì không được. Còn những trường hợp nêu rõ như thầy Lương thì được” -ông Quyền nói, mặc dù ông cũng cho rằng, việc không nêu rõ thời hạn công tác trong quyết định không phải là lỗi của các giáo viên.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN