Tại công văn số 1135/BHXH-TCKT gửi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố về việc thực hiện chi trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5, 6/2021 vào cùng một kỳ chi trả của tháng 5 cho người hưởng (xong trước ngày 20/5/2021), BHXH Việt Nam cho biết hiện nay, cả nước có khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên và hơn 200.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp/tháng.
Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người hưởng chế độ BHXH, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi trả tháng 5, 6/2021 vào cùng một kỳ chi trả phù hợp với từng địa bàn, tránh tập trung đông người đảm bảo an toàn cho người hưởng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thông báo cho người hưởng biết các nội dung thay đổi về phương thức chi trả, thời gian chi trả, địa điểm chi trả để thực hiện.
Tại các điểm chi trả, chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, sát khuẩn miễn phí; yêu cầu nhân viên chi trả, người hưởng phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đặc biệt phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. Đồng thời, vận động khuyến khích người hưởng nhận chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản cá nhân giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tự đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 1098/BHXH-VP, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Quán triệt và triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường cảnh giác hơn nữa với nguy cơ dịch bệnh; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các bộ phận có công chức, viên chức, người lao động thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức, cá nhân. Hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toànphòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trường hợp phát sinh ca lây nhiễm dịch bệnh hoặc nguy cơ lây nhiễm trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị, phải tập trung áp dụng ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, ứng phó với dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, chủ động bố trí linh hoạt công chức, viên chức, người lao động làm việc phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia.
Công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nâng cao nhận thức, ý thức hơn nữa về phòng chống dịch bệnh; hạn chế tham gia các hoạt động đông người; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế. Trường hợp nào đã đi, đến, trở về từ khu vực có dịch bệnh hoặc có triệu chứng, nguy cơ bị lây nhiễm phải tuân thủ nghiêm việc khai báo y tế và các biện pháp cách ly; và thông tin ngay đến Thủ trưởng đơn vị để kịp thời có biện pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị.