Chiều ngày 11/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) năm 2019.
Tình hình KN, TC của công dân vẫn diễn biến phức tạp
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: So với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6%. Nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước KN, TC, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.Tỷ lệ giải quyết KN, TC đạt cao với 85,4% (mục tiêu đề ra là 85%).
Chất lượng giải quyết KN, TC có chuyển biến tích cực, cả về trình tự, thủ tục và nội dung. Công tác đối thoại trong giải quyết KN, TC được quan tâm, tiến hành công khai dân chủ; nhiều vụ việc được giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, KN, TC của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm “nóng” là: Môi trường; liên quan đến đất nông - lâm trường; liên quan đến quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng…
“Đáng chú ý, một số vụ việc KN, TC liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là KN, TC của công dân Khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh”, Tổng Thanh tra nói.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các kỳ họp của Trung ương, Quốc hội, Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tình hình KN, TC sẽ còn diễn biến phức tạp, Tổng Thanh tra cho biết, nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân
Thẩm tra báo cáo, đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình KN, TC của công dân trong năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể, phân tích sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết KN, TC.
“Cần chỉ rõ người đứng đầu các ngành, các cấp nào không trực tiếp thực hiện quy định tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ để có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện nhằm đưa công tác này vào nền nếp, hạn chế việc KN, TC vượt cấp, bức xúc, kéo dài”, ông Định nói.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, qua giám sát và phản ánh của cử tri cho thấy, việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường xuyên chưa bảo đảm chất lượng. Dẫn chứng có những huyện cán bộ tiếp công dân không am hiểu pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giải quyết công việc, bà Hải đề nghị cần quan tâm, tiếp tục rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ: Số liệu báo cáo cho thấy có tỉnh, có 3 Giám đốc Sở và 1 Cục trưởng Cục Thuế trong 5 năm liền không tiếp dân một ngày nào.Trên cơ sở đó, đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm, kịp thời đối với cán bộ, công chức sai phạm, thiếu trách nhiệm.
Một số ý kiến cho rằng, cần phải khắc phục một trong những nguyên nhân làm phát sinh KN, TC hiện nay là tình trạng không nhất quán trong việc xử lý, giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền các cấp đối với những khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất…/.