(Baonghean.vn) - Đôn đốc triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao; Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh tinh giản biên chế; Hỗ trợ hơn 10 nghìn tấn gạo cho 12 địa phương; Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
1. Đôn đốc triển khai nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV.
Trên cơ sở Nghị quyết kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc, phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại phiên giải trình và trả lời chất vấn, nội dung trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 22/4/2017.
2. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh tinh giản biên chế
Để đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương tinh giản biên chế: Tổ chức triển khai, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ-TTg và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Về xây dựng Đề án tinh giản biên chế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ, ngành, địa phương) chưa xây dựng Đề án tinh giản biên chế thì phải khẩn trương xây dựng, phê duyệt Đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và của từng năm, trong đó phải xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế.
Các Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế nhưng kết quả thực hiện còn thấp, cần có giải pháp để thực hiện hiệu quả kế hoạch tinh giản biên chế được phê duyệt.
3. Hỗ trợ hơn 10 nghìn tấn gạo cho 12 địa phương
Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Yên Bái 397,350 tấn gạo; tỉnh Cao Bằng 625,275 tấn gạo; tỉnh Hà Nam 418,935 tấn gạo; tỉnh Tuyên Quang 310,290 tấn gạo; tỉnh Thanh Hóa 650,250 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 1.766,265 tấn gạo; tỉnh Quảng Trị 1.485,990 tấn gạo; tỉnh Lào Cai 247,860 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 1.134,465 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 400 tấn gạo; tỉnh Kon Tum 577,125 tấn gạo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh nêu trên chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo; tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 2.419,695 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân, gồm: Hỗ trợ 1.717,995 tấn gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán; hỗ trợ 368,37 tấn gạo cứu đói do dịch bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân; hỗ trợ 333,33 tấn gạo cứu đói do mưa lũ năm 2016.
4. Nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, thường xuyên cập nhật, đổi mới các cơ chế chính sách cho phát triển du lịch nhưng việc tổ chức thực hiện, của cả cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, người làm du lịch chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự cộng hưởng, lan tỏa, tạo động lực phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam.
Để thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch thống nhất giao các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp về công tác quản lý hoạt động du lịch trong cả nước và ở địa phương.
5. Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa
Mục tiêu của Chiến lược nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù quyền được nhìn như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.
Chiến lược phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 2,5 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 45%.
Đến năm 2030, tỷ lệ mù lòa giảm xuống dưới 4,0 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người trên 1.000 dân; tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%; tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.
6. Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 2/2017/NĐ-CPvề cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Nghị định này quy định việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống thiên tai và các loại dịch bệnh nguy hiểm, được công bố theo quy định pháp luật về thú y, thủy sản, lâm nghiệp và các dịch bệnh công bố dịch theo quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Theo Nghị định, hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định thì sẽ được hỗ trợ.
7. Đề thi chưa công bố là tài liệu tối mật ngành GDĐT
Theo đó, Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật trong ngành giáo dục và đào tạo gồm các tin, tài liệu thuộc phạm vi sau:
Các công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chưa công bố hoặc không công bố.
Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án, thang điểm bài thi, địa điểm ra đề thi, địa điểm sao in đề thi và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thi chọn học sinh giỏi các cấp, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh và thi hết môn các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố.
Đề thi chính thức, đề thi dự bị, bài thi, đáp án và các tài liệu liên quan đến các kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo và thi thăng hạng viên chức ngành giáo dục và đào tạo chưa công bố.
Văn bản có sử dụng tin, tài liệu thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của các cơ quan, tổ chức khác...
8. Kiện toàn BCĐ thực hiện Nghị quyết về chính sách xã hội
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ về chính sách xã hội do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Phó Trưởng Ban Thường trực.
Theo Quyết định 1365/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ thành lập BCĐ Trung ương thực hiện Nghị quyết 70, BCĐ Trung ương thực hiện Nghị quyết 70 có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, biện pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện Nghị quyết 70; đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 70.
9. Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số
Thủ tướng Chính phủ vừaphê duyệt Đề án "Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số".
Theo đó, người có uy tín là người nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; bản thân và gia đình gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng; am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng; là người tiêu biểu, có mối liên hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Việc lựa chọn người có uy tín phải đảm bảo nguyên tắc: Đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc.
10. Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 trong tình hình mới.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương có liên quan xem xét, cân đối, bố trí nguồn lực theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật về đầu tư công; chủ động, khẩn trương triển khai xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia theo lộ trình thích hợp, đáp ứng yêu cầu theo dõi, cảnh báo sớm mọi diễn biến bất thường về phóng xạ môi trường; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và những vấn đề vướng mắc, vượt thẩm quyền.
Thái Bình
(Tổng hợp)