(Baonghean.vn) - Tăng lương cho công chức, viên chức từ 1/7/2017; Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em; Công khai việc kỷ luật cán bộ liên quan đến khiếu nại đất đai; Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.
1. Tăng lương cho công chức, viên chức từ 1/7/2017
Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1/7/2017 mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng (thay cho mức cũ là 1.210.000 đồng/tháng).
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương;
Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
2. Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại...
Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện với tổng kinh phí là 10.266 tỷ đồng gồm 4 dự án: 1- Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế; 2- Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em; 3- Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; 4- Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
3. Công khai việc kỷ luật cán bộ liên quan đến khiếu nại đất đai
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của bà Đàm Thị Lích (tỉnh Lâm Đồng).
Xét báo cáo của UBND tỉnh lâm Đồng về việc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Thi hành kỷ luật bằng hình thức triển trách đối với ông Lê Công Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng do có những vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại của bà Đàm Thị Lích, tạo dư luận không tốt ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng có ý kiến: Việc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thi hành kỷ luật bằng hình thức triển trách đối với ông Lê Công Tuấn là cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng thông báo công khai hình thức kỷ luật đối với ông Lê Công Tuấn trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hạn chế những vi phạm của cán bộ, công chức trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết khiếu nại của công dân.
4. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản 588/TTg-ĐMDN yêu cầu các Bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý.
Căn cứ tình hình triển khai các công việc liên quan đến công tác sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước căn cứ Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, chủ động, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của cả giai đoạn 2017-2020, bảo đảm hiệu quả và không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
5. Tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo.
Tập trung đầu tư cho các xã mới đạt dưới 05 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.
6. Sửa đổi quy chế hoạt động BCĐ 389 quốc gia
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ký Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành mình và các nhiệm vụ được Trưởng Ban phân công.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sử dụng con dấu của Bộ mình; Văn phòng Thường trực sử dụng con dấu riêng.
Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành sử dụng con dấu của Bộ, ngành mình; Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (thành phố) sử dụng con dấu của UBND tỉnh (thành phố); các Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh (thành phố) sử dụng con dấu của sở, ngành mình.
Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ phối hợp với Văn phòng Thường trực nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đồng thời bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Thường trực.
7. Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 diễn ra hôm 18/4/2017.
Văn bản nêu rõ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm 2017 còn thấp so với yêu cầu, đã ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm và lãng phí vốn đầu tư và giảm hiệu quả huy động vốn trái phiếu Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan là giao vốn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, địa phương, ban quản lý dự án còn thụ động, thiếu quyết liệt, khẩn trương.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan ngay trong tháng 4 này phải hoàn thành toàn bộ việc giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
8. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2017 và các năm tiếp theo của Ban Chỉ đạo Nhà nước; phối hợp với các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất các cuộc họp chuyên đề của Ban Chỉ đạo; nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo ở địa phương để thống nhất trong triển khai thực hiện.
Các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, theo đó nếu có khó khăn, vướng mắc cần chủ động tổng kết, báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (như danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, quy hoạch mạng lưới, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập,...).
9. Điều kiện thành lập trường mầm non, nhà trẻ
1- Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2- Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.
Còn điều kiện để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục là:
1- Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; 2- Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục; 3- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục; 4- Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục; 5- Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
10. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình thương mại gạo thế giới, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của các thị trường nhập khẩu để kịp thời hướng dẫn, tuyên tuyền đến các địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt kịp thời lượng gạo hàng hóa theo từng thời kỳ, mùa vụ, nhất là khi vào vụ thu hoạch rộ lúa gạo, kịp thời có giải pháp tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm có lãi cho người trồng lúa.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, đề ra những biện pháp khắc phục khó khăn, hạn chế để xây dựng kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gạo trong năm 2017 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là đối với các thị trường tập trung truyền thống và thị trường trọng tâm, tiềm năng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
Thái Bình
(Tổng hợp)