Không còn đường lùi
Ông Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM kể, cách nay hơn 20 năm, lúc ông Nguyễn Công Tạn còn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sang thăm Úc đã đề nghị người đồng nhiệm Úc, đại ý, ông cho tôi đi thăm khu Nông nghiệp công nghệ cao của nước ông. Chăm chú nghe xong, ông Bộ trưởng Úc trả lời: Chúng tôi không có khu Nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi chỉ có nền Nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Khải kể lại câu chuyện này như một nỗ lực nhằm xác tín một thực tế ai cũng biết, láng giềng họ đã có nền nông nghiệp công nghệ cao từ lâu, họ đã tiến vượt xa ta đến mấy chục thập kỷ.
Ông còn nói thêm, giờ mà còn làm nông nghiệp kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” là chết. Nông dân Úc và các nước từ lâu rồi, ngồi trong các văn phòng làm việc, sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin để theo dõi, quản lý sản phẩm. Khi hệ thống báo về, chỗ này có dấu hiệu bệnh, biểu hiện thế này….Thay vì phải hấp tấp chạy ra cánh đồng, các ông nông dân công nghệ cao ấy bốc máy điện thoại lên, gọi cho các chuyên gia tư vấn đến xử lý.
Có 3 tiêu chí quan trọng để đánh giá một nền nông nghiệp thành công hay chưa thành công.
Thứ nhất, sản phẩm nông nghiệp của nước đó đứng ở đâu trên bản đồ thị trường thế giới. Lấy căn cứ 4 xu hướng đang dẫn dắt tiêu dùng thực phẩm của thị trường thế giới hiện nay gồm: Xanh, hợp thiên nhiên; Tính bản địa; Vì sức khỏe và đúng tiêu chuẩn chất lượng sẽ thấy một thực tế buồn, nông sản Việt Nam vẫn chưa đạt một tiêu chí nào.
Thứ hai, hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại.Việt Nam đã có chiến lược rầm rộ xây dựng nông thôn mới. Nhưng cho đến nay, sau ba chục năm Đổi Mới, mấy thứ cơ bản, nền tảng như điện, đường, trường, trạm làm vẫn còn chưa đến nơi đến chốn thì nói sao đến các công trình nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục nông thôn.
Thứ ba, nông dân.Nhìn Đồng bằng sông Cửu Long, trọng điểm nông nghiệp của Việt Nam thì rõ.Mấy chục năm qua, nhờ sự đóng góp chủ lực của vùng đất này, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những giai đoạn ngặt nghèo nhất do bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và khu vực.Với thành tựu rực rỡ như vậy, lẽ ra dân vùng này xứng đáng được hưởng cuộc sống khá giả.Nhưng tiếc rằng cho tới nayhọ vẫn mắc kẹt trong nghèo nàn, lạc hậu, ít học. Các số liệu công khai đều cho thấy, gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày.
Trước sự hối thúc của thực tiễn, mới đây người đứng đầu chính phủ đã yêu cầu, Việt Nam phải hành động quyết liệt, chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp chất lượng cao.
Dùng cái đầu để xoay chuyển
Câu thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Trung Thông, “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” có lẽ không còn phù hợp với thời hiện nay.
Đáng nhẽ nếu chúng ta phát triển một nền nông nghiệp theo chiều sâu (chế biến, theo hiệu quả, theo chất lượng, theo giá trị, bằng khoa học công nghệ,…) thì sức lớn của nông nghiệp chúng ta sẽ khỏe rất nhiều. Nhưng chúng ta lại dựa vào một nền nông nghiệp khai thác tài nguyên, dùng nhiều vật tư, nhiều lao động, chạy theo sản phẩm rẻ, bán vào thị trường dễ tính,… cho nên chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian và trở nên kiệt sức.
Còn trên trang cá nhân, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao không khỏi lo lắng, “hàng rào kiểm định an toàn thực phẩm ngày càng ngặt nghèo. Mở trang tin về các vụ cảnh báo là thấy ngay tên một số công ty gạo Việt Nam vi phạm…”.
Có cùng mối quan tâm về chất lượng nông sản Việt, từ kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với người nông dân, ông Vũ Trọng Khải quả quyết, nếu để người nông dân dựa vào đôi tay của mình sẽ chẳng thể xoay chuyển được. Vì ngoài kinh nghiệm cha truyền con nối, họ thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu kỹ năng và kỷ luật….
Ông thực sự tin tưởng,các nhà doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình tiến lên nền nông nghiệp thông minh, giải quyết tốt ba vấn đề mà nhà nông không tự làm được là: thương hiệu và thị trường; áp dụng công nghệ mới và vốn kinh doanh. Doanh nghiệp cầm trịch bởi chính họ phải chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, họ hiểu qui chuẩn, họ cung cấp đầu vào cho nông dân, để buộc nông dân có điều kiện làm ra sản phẩm chuẩn.
Dùng chuyện của hãng máy bay Boeing, ông phân tích, thương hiệu là của doanh nghiệp, nhưng hàng nghìn chi tiết trong từng máy bay là là do các nhà máy nhỏ sản xuất, ai cũng biết điều này. Nhưng nếu xảy ra sự cố, người ta sẽ chỉ gõ đầu hãng Boeng, chứ có ai đi gõ đầu mấy nhà máy sản xuất linh kiện đâu. Sản phẩm nông nghiệp cũng vậy. Nếu có sự cố, người tiêu dùng sẽ kiện ông doanh nghiệp bán hàng chết thôi, chẳng ai đi tìm ông người nông dân cả.
Trong thời đại công nghệ cao, “phải nhờ cái đầu, nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao mới có thể hình thành và phát triển, mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia hợp tác, trước hết là nông dân, nhà chế biến, tiêu thụ và người sử dụng nông sản”, ông Khải quả quyết.