(Baonghean) - Việc lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) nhất trí tiến hành đàm phán với Thủ tướng Đức Angela Merkel về khả năng thành lập chính phủ liên minh khiến dư luận thờ phào nhẹ nhõm. Một cuộc khủng hoảng chính trị có thể đã được ‘tháo ngòi nổ’, tuy còn rất nhiều khó khăn phía trước.

1511707057660.jpgThủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thế bấp bênh khi không có được thế đa số tại Quốc hội và các cuộc đàm phán gặp thất bại. (DPA)

"Chiếc phao cứu sinh" với thủ tướng Merkel

Nước Đức và có thể làm cả châu Âu tuần qua sống trong hồi hộp, lo lắng sau khi cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh thất bại. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi đàm phán với đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel và đảng Xanh.

Lý do của việc FDP rời bỏ đàm phán, theo lời Chủ tịch đảng Christian Lindner tuyên bố “thà không lãnh đạo còn hơn là lãnh đạo một cách yếu kém” và cho rằng đàm phán thất bại vì các đảng phái không tìm được nền tảng thống nhất.

Hai chủ đề chính gây trở ngại lớn nhất khiến các đảng, nhất là giữa đảng Xanh và đảng Đảng Xã hội cơ đốc giáo (CSU), không thể tìm được đồng thuận là vấn đề nhập cư và môi trường.

Cụ thể, đảng Xanh muốn bãi bỏ hai điều khoản, một là mức trần chỉ nhận tối đa mỗi năm 200.000 người tị nạn và hai là lệnh cấm liên quan đến việc đoàn tụ gia đình cho những người nhập cư chỉ có giấy phép cư trú 1 năm một.

Tuy nhiên, CSU - liên minh truyền thống của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel, phản đối gay gắt cả hai đề xuất này do lo ngại nếu nhượng bộ trong vấn đề nhập cư thì sẽ đánh mất lượng cử tri.

Cuộc đàm phán không thành này là một tình huống xấu với chính trường Đức bởi nó dẫn tới khả năng ra đời chính phủ thiểu số do đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel dẫn đầu.

Khả năng khác là tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới bất chấp việc vừa tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9. Cả hai kịch bản này đều chưa từng có tiền lệ tại Đức, đất nước nổi tiếng với nền chính trị ổn định, có chỉ 8 Thủ tướng trong 7 thập kỷ tính từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Angela Merkel vẫn nắm quyền chủ động thành lập chính phủ. Tuy nhiên, việc trì hoãn công bố thành phần chính phủ liên minh mới ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người dân Đức, cũng như cả Liên minh châu Âu – nơi Berlin là ‘đầu tàu’ dẫn dắt.

Trong trường hợp xấu nhất, đó là phải tiến hành bầu cử lại, rất nhiều rủi ro sẽ đe dọa chính trường Đức. Khả năng xấu nhất là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu có thể sẽ tiếp tục ‘tấn công’ chính trường Đức, như cách mà họ giành được ghế tại Quốc hội Đức trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua.

Chính vì thế, việc đảng SPD trở lại bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một khả năng liên minh là bước đi quyết định, tránh một cuộc đổ vỡ trong nội bộ chính trị nước Đức.

Tiếp tục hành trình gian khó

Việc SPD nhất trí tiến hành đàm phán thành lập chính phủ liên minh với Thủ tướng Đức Angela Merkel không phải là một quyết định đơn giản. Nó đi kèm với điều kiện các thành viên của đảng này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng đối với bất kỳ thỏa thuận nào.

Điều này hàm ý SPD đã ‘mặc cả’ với các đối tác khác trong cuộc đàm phán liên minh rằng mình sẽ có nhiều quyền quyết định hơn.

Chủ tịch SPD Martin Schulz gọi động thái của đảng mình là dựa trên tinh thần trách nhiệm cao đối với nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung sau khi Thủ tướng Merkel thất bại trong nỗ lực đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới với hai đảng nhỏ hơn.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đang thể hiện vai trò khi gặp gỡ lãnh đạo tất cả các đảng chính trị tại nước này để giàn xếp bất đồng. Ông có cuộc gặp với đồng lãnh đạo đảng Xanh Cem Özdemir. (Spiegel)

Theo ông Schulz, sự ủng hộ của đảng này đối với một chính phủ mới có thể dưới các hình thức bao gồm một liên minh hoặc một thỏa thuận chính thức không cản trở một chính phủ thiểu số dưới sự lãnh đạo của bà Merkel.

Mọi việc có khả năng sẽ ngã ngũ trong cuộc họp ngày 30/11, nơi Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đương kim Thủ tướng Merkel; Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer cùng Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Schulz sẽ cùng bàn thảo khả năng nhượng bộ nhau để có được liên minh.

Quyết định tổ chức cuộc gặp ba bên này là kết quả cuộc làm việc kéo dài 8 giờ đồng hồ giữa Tổng thống Frank-Walter Steinmeier với Chủ tịch đảng SPD Martin Schulz.  

Giờ đây, việc trước tiên mà các đối tác phải làm là thuyết phục SPD thay đổi quan điểm, muốn trở thành đảng đối lập mạnh trước liên minh của thủ tướng Merkel. Trước đó, nhà lãnh đạo SPD Martin Schulz cho biết sẽ đưa cam kết này sau thất bại trước liên đảng bảo thủ CDU/CSU trong cuộc tổng tuyển cử hôm 24/9.

SPD đã gặp một thất bại khó nuốt trôi với tỉ lệ ủng hộ ở mức thấp nhất kể từ năm 1949. Chủ trương của ông Schulz là không để SPD tham gia các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh. Gần đây nhất, ông Schulz lại một lần nữa khẳng định chủ trương này, đồng thời nhấn mạnh đảng của ông "không ngại" việc tiến hành một cuộc bầu cử mới. 

Về lý thuyết, SPD vẫn có trách nhiệm trong chính phủ liên bang, và liên minh giữa CDU/CSU và SPD sẽ là đa số trong Quốc hội liên bang. Tuy nhiên, với những gì mà ông Schulz đã đưa ra sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, khả năng đạt được thành công trong đàm phán là nhỏ, và các điều kiện đưa ra sẽ rất ngặt nghèo.           

Trong trường hợp ‘mối duyên tình’ với SPD không thành, CDU/CSU vẫn có thể liên minh với đảng Xanh thành lập chính phủ thiểu số. Khi đó bà Merkel có thể giữ được vị trí Thủ tướng liên bang.

Lãnh đạo của một chính phủ thiểu số phải được bầu bởi các nghị sĩ và nếu bà Merkel giành đa số phiếu bầu mới có thể giữ được vị trí Thủ tướng. Tuy nhiên, đây là phương án hết sức bấp bênh và bản thân nữ chính trị gia này cũng không hề muốn số phận chính trị của mình rơi vào hoàn cảnh đó. 

Chính vì vậy, tương lai ổn định của chính trường Đức và có thể là cả châu Âu sẽ có thể sẽ được quyết định trong cuộc họp ngày 30/11 tới ở Berlin./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN