(Baonghean) - Phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND khóa XVII diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu chất vấn về những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đây cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

“Nóng” đầu ra cho nông sản

Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu và nội dung “nóng” nhất chính là vấn đề quản lý quy hoạch sản xuất, chăn nuôi và đầu ra cho nông sản. Theo giải trình của ông Hoàng Nghĩa Hiếu, từ năm 2011 - 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng trên 5.000 mô hình sản xuất, chăn nuôi.

Tuy nhiên việc nhân rộng các mô hình vào thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu; một số mô hình thành công nhưng chưa được nhân rộng, hoặc nhân rộng chưa nhiều, tính bền vững chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về giống, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt. Đặc biệt việc phát triển sản xuất, chăn nuôi chưa gắn giữa quy hoạch và chăm lo đầu ra nông sản, dẫn tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao và bí đầu ra (như thịt lợn, dưa hấu, chuối, dứa...) gây khó khăn cho người sản xuất. Ngành NN&PTNT cũng phân tích những tồn tại và nêu ra những giải pháp khắc phục, trong đó tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh kết nối giữa sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao vai trò của doanh nghiệp và HTX.

1499875030972.jpgĐại biểu Nguyễn Văn Độ phát biểu chất vấn tại hội trường. Ảnh: Đức Anh

Chất vấn tư lệnh ngành Nông nghiệp tỉnh, đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) bày tỏ lo lắng về việc cây chanh leo trên địa bàn giá xuống thấp và đặt câu hỏi về việc phối hợp giữa các ngành phát triển loại cây trồng này để xóa đói, giảm nghèo. Các đại biểu Đặng Quang Hồng (Nghĩa Đàn), Phan Thị Thanh Thủy (thị xã Thái Hòa), Võ Thị Minh Sinh (Quỳ Hợp) cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý quy hoạch để hạn chế chồng lấn giữa các loại cây trồng, giải pháp đầu ra cho nông sản và trách nhiệm của cán bộ, công chức ngành nông nghiệp trong các lĩnh vực.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận những tồn tại trong việc phát triển nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ. Để khắc phục, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh và phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh gắn kết tiêu thụ nông sản. Riêng sản phẩm chanh leo, Sở NN&PTNT khẳng định đã có những cuộc làm việc với nhà máy bao tiêu đầu ra Nafoods để nâng giá đầu vào và tăng cường phối hợp thu mua cho nông dân. 

Cũng liên quan đến đầu ra cho nông sản, đại biểu Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị ngành Nông nghiệp cần căn cứ vào Quyết định số 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích bao tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng kinh tế để làm, nhất là những cây con độc quyền; trong sản xuất phải có hợp đồng thoả thuận giữa doanh nghiệp và người dân chứ không phải “đi xin” doanh nghiệp khi có sự cố. Thực tế, thất bại từ cây dứa - chanh cho thấy nhiều cây con đã “có chủ” nhưng “chưa có lực”.

Trả lời câu hỏi về vấn đề quy hoạch cây trồng cho vùng đất Phủ Quỳ của đại biểu Đặng Quang Hồng (Nghĩa Đàn), ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thời gian tới sẽ hạn chế cà phê vì không cạnh tranh được, cao su cũng không mở rộng vì điều kiện thời tiết không phù hợp, sắn cũng dừng lại với diện tích hiện có. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung duy trì vùng nguyên liệu mía đảm bảo nguyên liệu cho cả nhà máy hoạt động. Riêng cây cam, mặc dù hiện nay đang có hiệu quả nhưng dễ rơi vào điệp khúc “được mùa rớt giá”. Vì thế, sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng chất lượng sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định...

Diện tích ổi hàng hóa đang phát triển nhanh trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của ông Hoàng Nghĩa Hiếu, nhiều đại biểu tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT về vấn đề phát triển kinh tế hộ, sự phối hợp giữa ngành Nông nghiệp với doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong giải quyết đầu ra cho nông sản… Giải trình về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu thừa nhận: Vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản, dù đặc sản hay sản phẩm phổ biến đang gặp khó khăn trong phạm vi toàn quốc.

Ông Hiếu cũng cho rằng vấn đề quản lý quy hoạch cũng khó khăn và đề nghị các huyện, xã vào cuộc cùng ngành Nông nghiệp giải quyết vấn đề này. Bởi, nhiều sản phẩm có nguy cơ lệch cung - cầu, phát triển nóng như: Diện tích cam đang tăng trưởng mạnh; chăn nuôi phát triển vượt quy mô... Giám đốc Sở NN&PTNT cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và các HTX để nâng cao giá trị sản xuất, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Đánh giá về phần giải trình, trả lời chất vấn của Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho rằng, báo cáo giải trình chưa có dẫn liệu cụ thể, còn phản ánh chung chung; đồng thời đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu để tham mưu cho UBND tỉnh điều hành tốt phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến, nâng cao thu nhập cho người dân. HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh rà soát sản xuất chăn nuôi phù hợp với quỹ đất; tăng cường công tác quản lý quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các nông - lâm trường; triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân; rà soát lại các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh để có điều chỉnh phù hợp; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành Nông nghiệp để ngành có động lực phát triển theo hướng khép kín có giá trị cao….

Lệch dự báo thị trường lao động 

Ngay sau phần trả lời chất vấn của lãnh đạo ngành Nông nghiệp, ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đăng đàn trả lời chất vấn liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là có hay không tình trạng “cò mồi” trong xuất khẩu lao động và trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa đạt như kỳ vọng.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng (Nam Đàn) cho rằng, thời gian qua công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng chênh lệch chi phí đi xuất khẩu lao động giữa cùng một ngành nghề, một nước làm ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “bỏ mặc” người lao động. 

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động và mỗi năm đưa được khoảng 12.000 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Thời gian qua, sở làm khá tốt công tác quản lý; tuy vậy, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp làm sai, gây mất niềm tin của nhân dân, như ở các huyện Thanh Chương và Quế Phong gần đây. Hiện ngành lao động đã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp và đề nghị hoàn trả lại tiền cho người dân; nếu không hoàn trả được tiền sẽ chuyển sang cơ quan pháp luật xử lý.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng lưu ý, hiện công tác quản lý các đơn vị tư vấn tuyển dụng lao động đi XKLĐ khá chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị “giả mạo, tuyển lao động khi chưa có sự cho phép của các cơ quan chức năng. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao cảnh giác, không nên tự ý cho phép về tuyển dụng tại địa bàn để tránh tình trạng lừa đảo. Với câu hỏi có hay không tình trạng “cò mồi”, làm đẩy các chi phí trung gian trong quá trình làm thủ tục đi xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Bằng Toàn trả lời rằng “mới được nghe” và sẽ cho kiểm tra, xem xét.

Tại phiên chất vấn, nhiều ý kiến đã đề cập đến kết quả của công tác đào tạo và giải quyết việc làm, nổi lên là vấn đề đào tạo nghề cho lao động kỹ thuật cao, đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất và đối tượng hộ nghèo, dân tộc thiểu số đạt thấp.

Đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) bày tỏ sự băn khoăn khi số lượng lao động được đào tạo khá cao nhưng phần lớn là đào tạo ngắn hạn, do vậy có tình trạng học sinh học xong chưa lành nghề, đào tạo không gắn với giải quyết việc làm nên dẫn đến lãng phí. Đại biểu Trần Thị Thanh Thủy quan tâm đến vấn đề dự báo thị trường lao động và mong muốn ngành sẽ có những giải pháp thiết thực để nâng cao công tác này. Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đô Lương) thẳng thắn cho rằng, một trong những hạn chế của công tác đào tạo nghề là do “việc giao chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu chưa đảm bảo theo kế hoạch”.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều số liệu. Cụ thể, trong hai năm 2015 - 2016, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 155.196/155.000 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, đã giải quyết việc làm cho 75.360 lao động. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn thấp so với tổng số lao động được đào tạo nghề hàng năm. Chất lượng đào tạo và cơ cấu một số ngành nghề của một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Toàn cũng cho biết, hàng năm tỉnh đều có dự báo thị trường lao động, tuy nhiên, độ chính xác chưa “sát”. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, thời gian qua Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chưa “bóc tách” các đối tượng lao động qua đào tạo nên chưa có số lượng cụ thể với các lao động đặc thù, lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hứa sẽ trả lời bằng văn bản sau khi có tổng hợp đầy đủ. 

Kết luận phiên chất vấn, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao giải trình của giám đốc Sở LĐ-TB&XH; đồng thời, đề nghị ngành tiếp tục nghiên cứu những kiến nghị chính đáng của cử tri và đại biểu để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục phát triển hệ thống thông tin việc làm, kết nối tốt hơn đào tạo nghề - giải quyết việc làm; sớm hoàn thành sáp nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh xã hội hóa về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thúc đẩy liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp tham gia đào tạo đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo ngoại ngữ để lao động hội nhập; rà soát lại chất lượng giáo viên, danh mục nghề, bổ sung tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định, kịp thời phát hiện, khắc phục sai sót, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm. 

Nhìn chung, phần giải trình, trả lời chất vấn của lãnh đạo ngành Nông nghiệp và LĐ-TB&XH được đánh giá là đã đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, nhận rõ trách nhiệm và xây dựng được lộ trình, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nhóm phóng viên

TIN LIÊN QUAN