(Baonghean.vn)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông khẳng định, so với khu vực và quốc tế, chất lượng đào tạo nghề của Nghệ An còn thua kém rất nhiều.

Sáng 17/4, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh tổ chức hội nghị công tác đào tạo nghề giai đoạn 2012 – 2016 triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2017 - 2020.

images1877774_11.jpgCác đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Nga.

Các đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Bằng Toàn - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan cùng các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, Nghệ An đã từng bước nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề và liên kết doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.

Tỉnh đã đào tạo nghề cho 404.562 người; trong đó cao đẳng nghề 22.898 người, trung cấp nghề 41.413 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 340.251 người. Một số nghề bước đầu đã đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước như: cơ khí, công nghiệp ô tô, quản trị nhà hàng, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật chế biến món ăn…

Dạy nghề gò hàn cho học sinh tại trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng). Ảnh tư liệu.

Vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo nghề đạt nhiều kết quả khả quan, 20.610 sinh viên cao đẳng nghề tốt nghiệp có việc làm ổn định, đạt tỷ lệ 90%;  35.430 học sinh trung cấp nghề có việc làm đạt 85,3%. Trong đó, lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh 94.241 người; doanh nghiệp ngoại tỉnh 115.724 người; đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 34.180 người; với thu nhập bình quân từ 4 – 12 triệu đồng/ tháng.

Đến nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường xuyên liên kết tiếp nhận, tuyển dụng 244.145 lao động sau đào tạo nghề vào làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2011 lên 57% năm 2016.

Tại Hội nghị, đại diện các ngành, các đơn vị đào tạo cho rằng nhiều đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nghề; số lượng sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhiều (63 cơ sở) nhưng quy mô còn nhỏ; thiếu nguồn lực, nhất là nhà xưởng, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên.

Dạy nghề may cho lao động nữ dân tộc thiểu số ở Tân Kỳ. Ảnh tư liệu.

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng đội ngũ lao động thời kỳ hội nhập, trong giai đoạn 2017 – 2020 Nghệ An cần thực hiện tốt công tác điều tra khảo sát; dự báo nhu cầu thị trường sử dụng lao động hằng năm và từng giai đoạn gắn với điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; phân luồng, định hướng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, các khu kinh tế, khu công nghiệp trong quá trình đào tạo và bố trí việc làm cho lao động sau đào tạo.

Nghệ An phấn đấu từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo được 292.500 người (năm 2017 là 74.800 người); nâng tỷ lệ lao động được đào tạo đạt trình độ cao đẳng và trung cấp từ 17,3%, năm 2016 lên 25% năm 2020...

Đồng chí Lê Minh Thông kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga.

Kết luận tại hội nghị đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề giai đoạn 2012 – 2016 là rất khả quan, nhưng so với chất lượng đào tạo nghề trong khu vực và trên quốc tế thì Nghệ An còn thua kém rất nhiều. Điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng lao động sau đào tạo và mục tiêu nâng cao chất lượng lao động của tỉnh.

Vì thế trong thời gian tới các cấp, ngành cần tuyên truyền để tạo sự chuyển biến về nhận thức của lao động phổ thông trong việc chọn nghề và học nghề; các cơ sở dạy nghề cần đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đổi mới hình thức đào tạo, tăng tính thực hành, thực tiễn thay vì đào tạo lý thuyết quá nhiều.

Đồng chí cũng yêu cầu: "Các cấp, ngành cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới công tác quản lý, từng bước giao quyền tự chủ một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp."

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN