bna_ra_mat_sach8451909_28102018.jpgBuổi ra mắt sách của chàng trai sáng tác trên xe lăn tự chế thu hút người như một sự kiện văn hóa lớn của địa phương. Ảnh: Đào Thọ

Buổi ra mắt tập thơ đầu tay của Lương Văn Thưởng vào tối 27/10 ở bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương (Nghệ An) thu hút khoảng 200 người đến dự khán.

Gian phòng Nhà văn hóa cộng đồng không còn chỗ ngồi, các khán giả với đủ lứa tuổi người đứng trên bậc tam cấp, người lố nhố ngoài sân hóng vào. Không khí vui vẻ và ai nấy lộ rõ vẻ tò mò, xúc động. Sân khấu là một tấm bạt màu xanh trải trên nền nhà. Còn tác giả của cuốn sách thì nằm trên chiếc xe lăn có hình thức khá lạ lẫm, trên sân khấu.

Chàng trai nói lời "cám ơn" với người đến dự khán tại sự kiện gây xúc động ở bản người Thái huyện Tương Dương - Nghệ An. Ảnh : Đào Thọ

Đối với người dân ở địa bàn còn nhiều khó khăn này thì viết văn, làm thơ là điều xa xỉ. Còn chuyện một người trong cộng đồng mình in thơ thành sách còn là điều lạ lẫm hơn, nhất là một người khuyết tật nặng như Lương Văn Thưởng. Bà con đến dự vừa là để chia sẻ niềm vui cùng tác giả và tỏ lòng ngưỡng mộ chàng trai biết vươn lên bệnh tật để sống tốt hơn.

Tối 27/10 cũng là sinh nhật thứ 38 của Thưởng. Từ tuổi lên 5, sau một trận ốm nặng, Thưởng bị bại liệt. Sau đó khi đang học lớp 3 trường làng, anh không thể đi lại nữa và đành dở dang việc học hành. Dẫu vậy, Thưởng vẫn tự mày mò học tập qua sách báo và radio để “không quên đi cái chữ”. Cũng từ đó, mọi kiến thức ăn có được đều nhờ sách báo.

Đi tìm ước mơ, tập sách đầu tay của chàng trai sáng tác từ điểm nhìn qua ô cửa sổ nhà sàn. Ảnh: Hữu Vi

Từ tuổi 20, anh gắn bó với chiếc xe lăn tự chế do chính tay người cha làm giúp. Đời sống kinh tế khó khăn khiến gia đình không đủ tiền sắm nổi chiếc xe lăn tử tế hơn cho anh. Cũng từ đó, chàng trai “không thể tự mình bước ra khỏi cảnh nhà” bắt đầu sáng tác như bài thơ đầu tiên. Một số bài sau đó được đăng báo. Đó là niềm khích lệ giúp anh thêm động lực sáng tác.

Sau này, khi đã tự mua được một chiếc máy tính cũ, viết lách trở nên dễ dàng hơn với Thưởng. Nhờ internet và mạng xã hội, Thưởng biết đến những bạn làm thơ khuyết tật và từ đó anh không ngừng sáng tác. Những bài thơ chủ yếu là các status trên Facebook được Thưởng tập hợp trong cuốn sách Đi tìm ước mơ vừa được ấn hành bởi Nhà xuất bản Lao Động tháng 10/2018. Cuốn sách gồm 78 bài thơ theo thể loại lục bát và song thất lục bát.

Những nỗi niềm được thể hiện một cách mộc mạc của Lương Văn Thưởng Ảnh : Hữu Vi

Thơ của chàng trai người Thái với điểm nhìn cuộc sống qua ô cửa sổ nhà sàn và mạng internet chủ yếu về tình yêu lứa đôi, về mẹ và cuộc sống làng bản cũng như ngẫm nghĩ về nhân sinh. Đôi khi chàng trai không tránh khỏi sự mặc cảm bản thân. Nhưng đáng chú ý nhất ở những vần thơ “chập chững” của Lương Văn Thưởng là nỗi khát khao về tình yêu lứa đôi, một gia đình yên ấm luôn cháy bỏng trong tâm can chàng trai khuyết tật.

Ông Hoàng Sang, một ca sỹ đến từ TP. Hồ Chí Minh đã vượt gần 2000km để chia vui cùng Thưởng. Ông chia sẻ : Điều đáng quý nhất với người làm thơ không thể tự mình bước chân ra khỏi cổng nhà mình như Thưởng chính là nghị lực sống. Việc vịn vào những câu thơ để mà sống có lẽ đúng nhất với Lương Văn Thưởng.”

Chàng thi sỹ miền Tây vượt lên số phận

(Baonghean.vn) - Ở bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, mọi người vẫn trìu mến gọi anh Lương Văn Thưởng là chàng thi sỹ của núi rừng miền Tây. Lương Văn Thưởng bị bại liệt từ nhỏ, phải nằm một chỗ, nhưng bằng nghị lực của mình anh đã nỗ lực tự học và niềm đam mê của anh chính là sáng tác thơ.