BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, mới đây 2 nam bệnh nhân từ xã Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu nhập viện trong tình trạng suy nhược, đau cơ dữ dội, không thể ăn, nói chuyện.
Các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn. Dù được điều trị theo phác đồ đặc hiệu, nhưng nam bệnh nhân P.P.H. (32 tuổi) đã ngừng tim và tử vong vào ngày 27/12 vừa qua, sau 2 ngày điều trị.
Bệnh nhân còn lại là L.L.G., 24 tuổi, dân tộc Hà Nhì đang được điều trị tích cực. G. không thể ăn uống, không nuốt được nước bọt, đau cơ toàn thân, thậm chí thở cũng đau, phải truyền thức ăn qua ống xông. Từ chàng trai vạm vỡ hơn 60kg, hiện G. chỉ còn chưa đến 40kg.
Người nhà của G. cho biết, cả bản tổ chức ăn Tết linh đình, mổ 1 con lợn ốm, trong đó có tiết canh và gỏi. Sau khi ăn, 5 người đàn ông bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, đặc biệt là đau dữ dội ở các cơ bắp.
Cả 5 được đưa đến BV tỉnh Lai Châu điều trị, 2 trường hợp nặng chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới TƯ.
Thịt khô cũng có thể nhiễm giun
BS Cấp cho biết, trong 10 năm qua, BV chỉ tiếp nhận 3-4 nhiễm giun xoắn. Loại giun này trong tự nhiên hay gặp ở chuột. Khi chuột nhiễm giun, các con khác ăn thịt chuột chưa chín đều bị nhiễm giun.
Với cơ thể người, khi vào ruột, ấu trùng giun xoắn xuyên qua thành ruột đi vào máu, chạy vào các cơ, chạy vào cơ hô hấp gây đau khi thở, cơ hoành gây nấc, vào thực quản không nuốt được, vào cơ tim có thể gây ngừng tim, tử vong.
Trung bình 1g thịt nhiễm giun xoắn có thể chứa vài trăm ấu trùng, nên nhân lên rất nhanh trong cơ thể.
Để điều trị, BS Cấp cho biết sẽ cần thời gian rất dài, ngay cả khi diệt được ấu trùng nhưng còn xác trong cơ thì bệnh nhân vẫn đau, không thể đi lại.
Thông thường sau 6-9 tháng, các kén trong cơ sẽ bị vôi hóa dần nhưng vẫn có khả năng lây bệnh trong 10-20 năm khi ăn phải thịt chưa chín.
"Do đó ngay cả những món thịt khô, hun khói vẫn có thể nhiễm giun do chưa đảm bảo nhiệt độ", BS Cấp khuyến cáo.