Khi ai đó rơi vào nghịch cảnh như "thủ khoa mà thất nghiệp", "30,5 điểm không vào được ngành công an", hay vì "là ông bố trẻ bị thất nghiệp"… có người quyết tâm lặng lẽ phấn đấu, nhưng có người chọn cách… than, viết tâm thư.
Âu đó cũng là một cách để đạt được mục đích. Mục đích của ai đó có thể đạt được, nhưng xã hội thì phải chịu ảnh hưởng, ảnh hưởng dễ thấy nhất là có cảm giác như “than vãn” nhiều hơn phấn đấu. Nhiều tâm thư trên truyền thông quá, khiến cho nhiều người có cảm giác, cứ khó khăn là lên Facebook viết tâm thư, than vãn mọi việc sẽ được giải quyết. Có người nói: "Cuộc sống không phải cứ khó khăn ngồi khóc như cô Tấm là có ông Bụt, ông Tiên hiện ra giúp đỡ. Bản thân mỗi cá nhân phải tự mình vượt qua khó khăn đó để khẳng định mình".
Vậy có quá nhiều lời than, có quá nhiều tâm thư trên truyền thông có ảnh hưởng gì đến giởi trẻ và xã hội? Để lắng nghe, tìm hiểu xem giới trẻ nghĩ gì về hiện tượng quá nhiều tâm thư, than vãn, PV đã có cuộc trao đổi với chàng trai “ngưng ngược đãi” Hạ Hồng Việt xung quanh chủ đề này.
Vốn đam mê và theo đuổi ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực tưởng chừng như khô khan nhưng Hạ Hồng Việt (sinh viên trường Đại học Công nghệ- ĐH Quốc gia Hà Nội) lại rất nhạy cảm với những gì thuộc về tinh thần. Việt từng tham gia một nhóm tư vấn, chia sẻ các vấn đề về tâm lý, từng được nghe nhiều tâm sự của các bạn trẻ bị tổn thương do những lời miệt thị của người khác gây ra. Bởi vậy, hơn ai hết, Việt hiểu, đời sống tinh thần, tình cảm của giới trẻ quan trọng đến nhường nào.
Tháng 6/2015, trong khi lướt web, Hạ Hồng Việt tình cờ nhìn thấy một bộ tranh tên “Stop Bullying” (Ngừng hành hạ người khác) với thông điệp hết sức ý nghĩa. Từ đó Việt ra đời bộ tranh Ngược đãi là gì. Đồng thời, chiến dịch “Ngưng ngược đãi” của chàng trai 9x tạo ra một làn sóng mới trong cộng đồng mạng, “ngưng ngược đãi” trở thành cụm từ quen thuộc với các bạn trẻ Việt. Riêng trang “Ngưng ngược đãi” chỉ sau hơn 1 tháng đã nhận được 65.000 lượt like (thích) trên Facebook.
Do đó, nhắc đến Hạ Hồng Việt, người ta vẫn quen với cụm từ “chàng trai ngưng ngược đãi”.
Gần đây trên báo chí xuất hiện nhiều "lời than vãn" như thủ khoa đầu ra thất nghiệp, 30,5 điểm không vào trường công an... anh có suy nghĩ gì?
Tôi luôn nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước rất dễ kiếm việc làm. Quan trọng thái độ làm việc và nghị lực của bạn tới mức nào mà thôi. Tôi cũng có một người bạn cùng lớp cấp 3, ra trường là thủ khoa Kinh tế quốc dân năm 2015, và giờ công việc của bạn ấy rất ổn. Tôi nghĩ rằng việc “thất nghiệp” cũng phải định nghĩa rõ ra là mình không kiếm được việc làm phù hợp, mình không có khả năng làm việc, hay là mình bị kỳ thị, ghét bỏ, không thể xin nổi việc,… để chúng ta có thể có những cái nhìn khách quan nhất. Ví như chuyện 30,5 điểm thừa sức xin vào bất cứ khoa cao điểm nhất của bất cứ trường nào khác, thậm chí còn có học bổng thủ khoa luôn, nhưng vì em ấy nhất nhất chỉ muốn thi vào trường công an, vì thế mới xảy ra cảnh ngang trái đó chứ. Chúng ta cần có cái nhìn khách quan trước khi đánh giá sự việc, thay vì nhìn thấy chuyện bất bình, không vừa mắt, rồi cũng lên án, tranh cãi.
Phải chăng báo chí, truyền thông, hiện nay đang bị thiên về phản ánh những khó khăn, than vãn, nghịch cảnh và "tâm thư" mà ít có những tấm gương tự mình vượt qua nghịch cảnh?
Than thở thì luôn luôn dễ dàng hơn cố gắng, nói thì dễ hơn làm. Vì thế nên tôi nghĩ rằng người có thể vượt qua được nghịch cảnh lúc nào cũng ít hơn những người than thở, đổ lỗi cho hoàn cảnh và may mắn. Những tấm gương vượt qua nghịch cảnh cũng vẫn có, như mới đây có trường hợp con gái một người lao công tại TP.HCM giành được học bổng của Đại học Harvard. Nhưng những trường hợp xuất sắc như thế không nhiều, vì thế mà có sự chênh lệch như anh nói cũng là lẽ tự nhiên. Tôi nghĩ vấn đề không phải ở báo chí, mà là cách phản ứng của cộng đồng.
Tôi thấy dường như khi thấy một tấm gương thủ khoa nào đó ra trường không kiếm được việc làm, người ta thường đổ lỗi ngay cho giáo dục và cơ chế, rằng đã không tạo điều kiện cho những người này phát triển. Chứ không nhiều người nhận ra bản chất vấn đề, thực ra thủ khoa của một trường đại học và nhân viên tốt trong 1 doanh nghiệp không phải khi nào cũng giống nhau. Như giáo sư của 1 trường Đại học đã nói trước sinh viên: “Tôi dự đoán 5% trong số các em sẽ làm đúng với cái mình học, còn 95% sẽ tiếp tục học cái mình làm”. Thủ khoa chỉ là kết thúc đẹp cho một quãng đời đi học, và còn rất nhiều phải ở phía trước, đa phần trong số đó là bắt đầu lại từ đầu. Lấy cái danh “thủ khoa đại học” biện minh cho việc “thất nghiệp” tôi thấy rất khiên cưỡng.
Là người trẻ, anh có nghĩ với khuynh hướng này sẽ làm cho các bạn trẻ không còn tự phấn đấu, tự cứu mình trước khi trời cứu. Bằng chứng là thất nghiệp cũng quỳ trưng biển “cầu xin việc làm” giữa phố?
Tôi không cho rằng các bạn trẻ sẽ ngừng phấn đấu chỉ vì đọc những bài báo như vậy. Thế hệ trẻ hiện tại rất nhiều tiềm năng, và hơn ai hết, họ hiểu mình chỉ có thể phát triển tốt nhất khi tin vào bản thân mình, tìm ra con đường đi cho riêng mình. Họ sẽ không từ bỏ chỉ vì thấy người khác dừng lại. Những trường hợp “bất lực” như thất nghiệp quỳ, cầm biển "tâm thư" giữa phố vẫn chỉ là thiểu số thôi.
Anh có lý giải gì về nguyên nhân vì sao, xã hội lại "tâm thư" quá nhiều, có phải vì thấy "kêu là được" nên ai cũng muốn kêu?
Tôi nghĩ rằng tâm thư nhiều bởi vì cộng đồng quan tâm đến những thứ như vậy. Những hoàn cảnh éo le, ngang trái thường dễ nhận được sự quan tâm và đồng cảm. Để giúp cho những bức “tâm thư” được lan truyền phải kể đến đóng góp không nhỏ của báo chí và đặc biệt là mạng xã hội. Nếu chúng ta làm điều gì đó mà được cộng đồng hưởng ứng, thì khả năng chúng ta có thể đạt được mục đích sẽ cao hơn là làm việc trong âm thầm. Thật ra tâm thư cũng là một cách hay để đạt được mục đích, nhưng đó không phải là tất cả. Những bức tâm thư cũng không thể bảo đảm cho việc điều mình muốn sẽ thành sự thật. Nhưng cứ viết tâm thư mà hoàn cảnh éo le, đặc biệt, là tôi nghĩ kiểu gì mọi người cũng sẽ quan tâm và tranh cãi.
Anh có những câu chuyện gì, chia sẻ gì với những ai đó đã "chót" than vãn, chuẩn bị than vãn vì những chuyện "chưa đến mức phải than vãn"?
Tôi nhớ mãi câu chuyện về 1 người đàn ông, phá sản ở tuổi 60, tuy nhiên không phải vì thế mà ông dừng lại. Ông tiếp tục đi khắp nước Mỹ để tìm cách tiếp tục phát triển sự nghiệp, và bị từ chối tới hơn 1000 lần, nhưng cũng không phải vì thế mà ông dừng lại. Không gì có thể ngăn cản được ông, và đó là lý do bây giờ chúng ta có các cửa hàng KFC trên toàn thế giới.
Ai cũng sẽ gặp những khó khăn trong cuộc đời mình, và không ai có thể giúp chúng ta vượt qua nó ngoài chính bản thân mình. Tôi là một người trẻ, và tôi vẫn luôn thấy có rất nhiều cơ hội để phát triển cho những người trẻ như tôi. Đến 60 tuổi người ta còn phá sản, bắt đầu lại từ đầu và thành công nữa là chúng ta. Chúng ta có sức khỏe và tương lai, hãy tin tưởng vào bản thân, đối đầu với khó khăn, rèn luyện bản lĩnh và nghị lực, chuyện gì rồi cũng sẽ giải quyết được.
Cảm ơn anh!.
Theo Infonet