Trong tình hình mới, cần nghiêm túc triển khai quy hoạch báo chí để các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh hơn, phát huy tốt hơn tác dụng của mình đối với đời sống xã hội.
Giàu truyền thống báo chí cách mạng
Dấu mốc ra đời báo chí cách mạng Việt Nam được xác định là ngày 21/6/1925, khi tờ Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu tiên. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng nước ta ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc tham gia quản lý xã hội, quản lý hệ thống chính trị của đất nước, thông qua việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, báo chí cách mạng đã làm nên và khẳng định nhiều truyền thống nổi bật. Đề cập tới chủ đề này, TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam (tháng 5/1950) đã khẳng định Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình. Minh chứng cho điều này là sự đóng góp của hàng loạt tờ báo dòng báo chí cách mạng, sau năm 1925, như: Tờ báo đầu tiên của Đảng là tờ Tranh đấu (15/8/1930); tờ tạp chí đầu tiên của Đảng là Tạp chí Đỏ (5/8/1930); tờ báo đầu tiên của những người cộng sản ở Hỏa Lò (3/1930) là Tù nhân báo, sau đổi là Lao tù tạp chí; Việt Nam độc lập, Dân chúng (1938); Cờ giải phóng, Cứu quốc (1942-1945). Đây là những tờ báo có vai trò chủ lực tuyên truyền cách mạng trong thời kỳ hoạt động công khai nửa hợp pháp và hợp pháp, và cuối cùng báo chí cách mạng đã giành thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí ở miền Bắc và báo chí cách mạng ở miền Nam đã cùng quân dân đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Báo chí thời kỳ này đã tập trung phản ánh sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân dân ta ở miền Nam và phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Báo chí cách mạng là đội quân chủ lực trong việc động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh chiến trường, phóng sự thu thanh từ miền Nam, trên các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… thực sự là nguồn động viên to lớn và lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đi đánh giặc Mỹ.
Đội ngũ nhà báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã có hơn 400 nhà báo anh dũng ngã xuống trên các chiến trường trong khi làm nhiệm vụ người chiến sĩ nơi trận tuyến.
Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, Trường Sa hoặc lăn xả nơi lũ lụt, vùng có dịch, trong cuộc chiến chống buôn lậu, ma túy… để kịp thời cung cấp cho công chúng những bản tin, bài báo, hình ảnh nóng hổi tính thời sự.
“Được hấp thụ truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập, được tôi luyện và trưởng thành trong gian khó, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, tin chắc rằng, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ cao cả của mình”, TS. Trần Bá Dung nhận định.
Triển khai quy hoạch để phát triển lành mạnh hơn
Lĩnh vực báo chí liên tục phát triển phong phú, đa dạng cả về nội dung cũng như các loại hình, dịch vụ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân.
Hiện cả nước đã có 850 cơ quan báo chí in với trên 1.000 ấn phẩm báo chí, 98 báo điện tử, 66 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với tổng số 200 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá. Diện tích phủ sóng phát thanh đạt 99,5% lãnh thổ, diện tích phủ sóng truyền hình mặt đất đạt hơn 90% diện tích lãnh thổ.
Về hệ thống truyền hình trả tiền, đến hết năm 2015 đã có 31 đơn vị cung cấp dịch vụ với 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh trong nước. Truyền hình trả tiền sử dụng 4 loại công nghệ truyền dẫn gồm: truyền hình cáp (gồm cả IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, và truyền hình di động. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu (trong đó, số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm 80,8%, cao gấp 4 lần so với năm 2010, gấp 30 lần so với năm 2005. Tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2010.
Thực tiễn cho thấy thời gian qua, báo chí nước nhà đã có nhiều đóng góp tích cực, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị xã hội, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, và diễn đàn của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo chí cũng có rất nhiều nhiều khuyết điểm, yếu kém. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn từng chỉ rõ một số khuyết điểm, yếu kém đó: “Nhiều cơ quan báo chí chưa làm đúng tôn chỉ mục đích; chưa thể hiện được vai trò là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân. Nhiều cơ quan báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ có sai phạm về nội dung, gây bức xúc cho xã hội. Nhiều cơ quan chủ quản từ bỏ hoặc giảm trách nhiệm của mình, thậm chí lệ thuộc vào kinh tế của báo chí để hoạt động”.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí) đã được Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ xây dựng với mục đích chính nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng hơn.
Gần 1 năm qua, kể từ ngày Bộ TT&TT chính thức công bố lần đầu tiên Quy hoạch báo chí, việc triển khai Quy hoạch này đã được nhiều Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Điển hình như Bộ Giao thông Vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng...
Thời gian tới, việc triển khai Quy hoạch báo chí cần tiếp tục được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trên phạm vi toàn quốc.
Nhấn mạnh một số hướng đi chủ yếu trong hoạt động triển khai Quy hoạch báo chí thời gian tới, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết: Sẽ sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, nhất là vùng đồng bào các dân tộc ít người.
Tập trung nguồn ngân sách theo cơ chế đặt hàng cho những cơ quan báo in có thương hiệu tốt, tính chính trị, tính định hướng cao để có được những ấn phẩm hấp dẫn. Đến năm 2020, các cơ quan báo in được sắp xếp theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí...
Đối với phát thanh, truyền hình, tăng thời lượng tự sản xuất kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền của quốc gia và địa phương, bảo đảm thời lượng chương trình tự sản xuất đạt tối thiểu là 50%. Hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, theo đó, các đài chỉ tập trung làm nhiệm vụ sản xuất chương trình và cung cấp nội dung cho nhà cung cấp dịch vụ truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, các đài truyền hình tự chủ về tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các chuyên mục, chương trình, kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Quản lý thống nhất, chặt chẽ các khâu sản xuất nội dung chương trình và truyền dẫn, phát sóng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và an toàn, an ninh thông tin trong tình hình mới.
Về báo điện tử, tập trung phát triển một số báo chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, dẫn dắt, định hướng hiệu quả dư luận xã hội, nhất là trước các vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Ưu tiên xây dựng, phát triển các báo điện tử phục vụ chính trị, tuyên truyền đối ngoại. Đẩy mạnh việc đưa thông tin về cơ sở.
Theo Infonet