15 tuổi, đang phơi phới những ước mơ thì Phạm Sỹ Long gặp tai nạn. Vụ tai nạn đã biến Long từ một chàng trai khỏe mạnh thành một người tàn phế, đặt đâu nằm đó.
Nhiều lần Long muốn tự vẫn để giải thoát cho mình và cho những người thân yêu. Nhưng ngay cả cái "ước muốn" ấy Long cũng không thể tự mình làm được. Mới đây khi xem mạng, biết được trên thế giới sắp thực hiện ca ghép đầu đầu tiên, Phạm Sỹ Long đã gửi tâm thư xin được hiến… đầu của mình.
Viết chữ bằng miệng
Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ tại xóm 3, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Phạm Sỹ Long nằm trên một chiếc giường cũ kỹ, cởi trần, phía dưới đắp một tấm chăn mỏng. Thành giường buộc đủ các loại từ điện thoại, điều khiển tivi, bút, sổ sách. Tất cả đều vừa tầm với miệng anh. Bởi lẽ, 13 năm qua, các bộ phận trên cơ thể anh đều bất động trừ cái đầu.
"Phải nói thật là nhiều lần mình đã tìm cách tự tử nhưng không biết phải làm cách nào. Muốn uống thuốc ngủ để chết thì cũng phải nhờ người mua cho. Muốn thắt cổ thì cũng phải có sức mà buộc dây. Tay chân mình bất động thế này thì làm được gì để… chết chứ?" - anh tâm sự mà nước mắt lăn dài. Long quyết định mình phải sống khác.
Việc đầu tiên anh làm là học viết chữ bằng miệng. Anh nhớ lại: "Suốt một tuần đầu tiên khi học viết chữ bằng miệng, mình đã không thể ăn được cơm vì miệng sưng phồng, tím ngắt do phải ghì hai môi chặt vào với nhau mới có thể giữ được bút không bị nguệch ngoạc. Mẹ mình nhìn thấy thế thì xót con nên cứ bảo thôi đừng viết nữa nhưng mình vẫn cố. Nhiều lúc đau quá, mỏi đầu quá cũng thấy nản nhưng lại nghĩ có cái việc cỏn con thế này mà không làm được thì sao mà thay đổi được cái gì nên lại cố nhẫn nại".
Cuối cùng thì anh cũng đã thành công. Khi đã luyện thành thạo kiểu viết chữ mới Long bắt đầu ghi nhật ký cuộc đời mình. Không chỉ viết nhật ký, Long còn vẽ tranh, sáng tác nhạc và làm thơ.
Xin hiến đầu để được sống cuộc đời mới
Từ trước đến nay người ta chỉ có thể hiến gan, hiến thận, hiến giác mạc… chứ chưa bao giờ có tiền lệ hiến… đầu. Có lẽ Phạm Sỹ Long là trường hợp vô tiền khoáng hậu.
"Cũng tình cờ thôi, có một lần mình đọc báo trên mạng thấy người ta viết trên thế giới sắp thực hiện ca hiến đầu đầu tiên. Rồi mình lại đọc được thông tin bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đang tìm người tình nguyện hiến đầu nên mình muốn liên hệ với bác sĩ Sơn để đăng ký hiến đầu".
Bức tâm thư dài hai trang giấy được anh Long viết bằng miệng. Trong thư kể về những bất hạnh, khổ đau khi tai họa ập đến, rồi những tháng ngày sống không bằng chết sau đó. Cả những dằn vặt của đạo làm con khi chưa có dịp báo hiếu với cha mẹ thì đã lại trở thành gánh nặng vĩnh viễn của cha mẹ.
Trong tâm thư có đoạn: "Mười mấy năm qua tôi phải nằm liệt một chỗ, không làm gì được, toàn bộ sinh hoạt đều phải nhờ người thân giúp đỡ. Những ước mơ, hoài bão của tôi cũng bị dập tắt từ đó, thay vào đó là bao nỗi khó khăn vất vả, những cay đắng, tủi nhục và những nỗi đau đớn khủng khiếp cả về thể xác lẫn tâm hồn…
Tôi biết sự rủi ro trong quá trình phẫu thuật là rất lớn. Khả năng tôi sẽ chết là rất cao. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu ai cũng sợ, cũng muốn để người khác làm trước, thành công rồi mình mới làm thì sẽ chẳng bao giờ biết được kết quả có thành công không. Thay vì cứ chết dần, chết mòn theo năm tháng thì tôi muốn được cống hiến cuộc đời mình cho y học nước nhà nên tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro".
Giả thiết, trong thời gian tới khi ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới thành công và ở Việt Nam cũng sẽ thực hiện. Nếu là người tiên phong, liệu Phạm Sỹ Long có may mắn được thay đổi số phận hay sẽ là người hy sinh để cống hiến cho nền y học nước nhà phát triển?
|
Theo CAND