bna_tran_khac_tham_82128863_442018.jpg
Chúng tôi đến tham quan mô hình trồng dưa chuột theo công nghệ Israel của Thẩm đúng dịp giữa mùa dưa thu hoạch đầu tiên. Chàng thanh niên 25 tuổi hồ hởi giới thiệu cho những vị khách về những thành công bước đầu của mô hình trên mảnh đất quê Bác.

Mô hình trồng dưa áp dụng công nghệ Israel không còn là điều mới lạ ở vùng đất Nam Đàn, Nghệ An. Tuy nhiên, dám đầu tư đưa mô hình trồng dưa chuột theo công nghệ Israel về xã Nam Phúc - vùng đất trũng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai ngập lụt như Trần Khắc Thẩm thì lại là câu chuyện khác.

Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Vinh, không như những bạn bè đồng trang lứa tìm một công việc văn phòng ổn định, Thẩm quay về quê nhà “làm ruộng”.

Thực ra, 7 năm trước, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai này đã ấp ủ ý định sau khi tốt nghiệp sẽ trở về với đồng đất quê hương, làm trang trại VAC. Tuy nhiên, thời điểm đó, do chưa tiếp xúc với nhiều thông tin nên bản thân cũng chưa nghĩ đến trồng cây bằng công nghệ cao.

Phải đến cách đây 4 năm, trong một lần tình cờ khi nói chuyện online với những người bạn đang tu nghiệp ở Israel và Nhật Bản, Thẩm chợt nhận thấy những quả cà chua, dưa leo trồng trong nhà kính rất tốt, lại cho năng suất cao.

“Lúc đó, bản thân tôi tự hỏi tại sao quê mình lại không áp dụng công nghệ này để vừa có năng suất cao lại vừa an toàn. Và ý tưởng trồng cây theo công nghệ Israel cũng bắt đầu manh nha từ đây” - Thẩm kể.

Khi ra trường, Thẩm bắt đầu đi tham quan, tìm hiểu thêm các mô hình ứng dụng công nghệ Israel ở Đà Lạt, Sài Gòn, Đà Nẵng cho đến các mô hình ở trong tỉnh để triển khai ý tưởng.

“Lúc đầu bố mẹ, bạn bè khi nghe tôi nói muốn xây dựng mô hình công nghệ Israel thì không ai ủng hộ. Nguyên nhân vì Nam Phúc là vùng đất trũng, thường xuyên bị ngập lụt, bão lũ nên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Tiếp đó, nguyên vật liệu cho nhà kính đắt đỏ, phải đặt hàng từ xa, có khi phải ở nước ngoài về mới có” - Thẩm tâm sự. Nhưng may mắn, sau khi thuyết phục, gia đình Thẩm quyết định làm theo lời của con trai.

Tháng 8/2017, Thẩm bắt đầu thuê lại những mảnh đất manh mún rồi đến khoảng tháng 9, 10/2017 mới cho công nhân xây dựng nhà xưởng, xử lý đất đai, nguồn nước trên diện tích đất 1.000 m². Phải đến tầm 25/12 âm lịch, khi mọi người bắt đầu chuẩn bị ăn Tết thì Thẩm và gia đình mới có thể xuống giống vụ đầu và cho thu hoạch gần đây.

Thu hoạch những lứa dưa chuột trĩu trịt đầu tiên, Thẩm kể: “Nhìn kết quả bây giờ mới bớt lo, còn lúc mới đầu hễ có cây con nào bị bệnh chết là lo mất ăn, mất ngủ. Bởi để có 550 triệu đồng đầu tư ban đầu, gia đình tôi phải thế chấp bìa đỏ vay ngân hàng”.

Cùng có mặt ở mô hình, ông Trần Khắc Quyền - bố Thẩm tâm sự, sinh ra trong gia đình nhà nông, ông cho con ăn học đại học cũng muốn để con thoát ly khỏi cái cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, muốn con phát triển, thành công. Thấy con trở về thì đúng là mừng vì con có ý chí làm giàu trên mảnh quê cha đất tổ, nhưng lúc biết con theo nghiệp nông thì hơi lo. Lo không biết con có chịu được cái khổ của nghiệp nhà nông, lo mô hình có thành công hay không.

Nhưng những kết quả tích cực bước đầu khiến gia đình ông cảm thấy đỡ lo, mừng cho con dù biết con đường sau này còn nhiều vất vả. “Có bắt tay vào làm cùng con thì mới thấy ngày nay làm nông nghiệp muốn giàu thì phải áp dụng khoa học, chứ không thể phụ thuộc vào trời như ngày xưa” - ông Quyền thật thà.

Hiện tại, khi đã vào giữa vụ, mỗi ngày mô hình của Thẩm xuất đi hơn 2 tạ dưa. Những sản phẩm dưa đáp ứng được phần lớn tiêu chí của sản phẩm sạch như không có dư lượng thuốc trừ sâu, trồng sử dụng phân vi sinh, đảm bảo an toàn cho môi trường… Nhận thấy những thành công bước đầu của mô hình dưa, nhiều người dân trong, ngoài vùng đã đến tham quan học hỏi.

Luôn rộng cửa chào đón những người dân đến học hỏi, Thẩm chia sẻ, làm mô hình này, trước hết là để thực hiện giấc mơ của bản thân nhưng bên cạnh đó cũng muốn bà con thấy được cái hay, cái lợi để làm theo. Quan trọng hơn, qua đây, chàng trai 25 tuổi này còn muốn những sản phẩm sạch có thể tiếp cận, phục vụ cho chính những người nông dân chân lấm tay bùn ở khắp các vùng quê.