4 thành viên đội bóng nhí Lợn Hoang ngày 8/7 đã được giải cứu khỏi hang Tham Luang. Các chuyên gia y tế và tâm lý bắt tay vào chăm sóc sức khỏe cho họ, trong khi chính quyền Thái chiều 9/7 bắt tay vào chiến dịch giải cứu đợt hai. Bác sĩ cho rằng những nạn nhân bị kẹt trong hang suốt hai tuần qua sẽ phải đương đầu với hàng loạt vấn đề tâm lý.
Trên thực tế, kẹt lại nhiều ngày giữa không gian chật hẹp dễ dẫn đến sợ hãi, lú lẫn, lo âu, tuyệt vọng cho các nạn nhân. Đặc biệt, ở trẻ em, ảnh hưởng của các cảm xúc tiêu cực này càng mạnh mẽ. "Người trưởng thành biết tư duy theo hướng hợp lý hơn, tự nhủ sẽ được cứu thoát. Trẻ em thì không như vậy", bà Sandy Capaldi, nhà tâm lý học, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị và Nghiên cứu Lo hãi thuộc Đại học Pennsylvania nói với CNN.
Tuy khác nhau về cách phản ứng, hệ quả tâm lý đối với trẻ em và người lớn lại khá giống nhau. Trải qua tai nạn, 12 cậu bé và huấn luyện viên được cho là rất dễ mơ thấy ác mộng, rối loạn giấc ngủ, cảnh giác quá mức, khó tập trung; từ đó tăng nguy cơ rối loạn stress sau sang chấn.
"Bộ não lưu giữ ký ức về tình huống nguy hiểm khiến con người sợ hãi và muốn chạy trốn mỗi khi tiếp xúc với bóng tối, cái lạnh và không gian chật hẹp. Ví dụ như lúc vào thang máy", bác sĩ Peter Lin, cộng tác viên sức khỏe của tờ CBC News lý giải.
Rối loạn sau sang chấn chính là những gì 33 thợ mỏ Chile gặp phải năm 2010 sau hai tháng mắc kẹt trong hang. Năm năm trôi qua, các bài kiểm tra cho thấy những vấn đề tâm lý của họ chưa hề biến mất. Trường hợp đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên, thời gian hồi phục tinh thần chắc chắn sẽ kéo dài hơn bởi họ ít tiếp xúc với không gian chật hẹp hơn đội thợ mỏ. Bên cạnh đó, stress sau sang chấn ở trẻ em có thể dẫn tới các rối loạn tâm trạng, lo âu, ăn uống, sử dụng chất kích thích.
Minh Nguyên