Giáo viên phải hiểu học sinh
 
bna_18379304_712020.jpg
Năm 2019 là lần đầu tiên thầy giáo Phan Hoàng Thạch tham gia kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh môn toán. Ở độ tuổi 35, thầy Thạch tự nhận “mình không còn trẻ” bởi đã có gần 15 năm theo nghề dạy học. Nhưng đây lại là độ tuổi thầy tự nhận mình “chín” nhất, vì thế mục tiêu đầu tiên tại kỳ thi này là phải thi đậu.
Trước khi cuộc thi diễn ra thầy Thạch cũng cho biết, mình đã có sự chuẩn bị kỹ càng, không phải chỉ 1 tháng, 2 tháng mà gần 4 năm. Trong thời gian đó, thầy đã chuyên tâm đầu tư để hoàn thành các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, đáng chú ý có 2 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp ngành với đề tài: “Rèn luyện tư duy Toán học cho học sinh THPT thông qua tìm hiểu những khó khăn và phân tích một số sai lầm thường gặp khi giải bài Toán xác suất” (năm học 2015 - 2016) và đề tài: “Rèn luyện tư duy sáng tạo cho học sinh THPT thông qua áp dụng phương pháp véc tơ và phương pháp tọa độ vào giải bài Toán tính khoảng cách trong không gian” (năm học 2018 - 2019).
Cũng chính với 2 sáng kiến xuất sắc này, ngay “vòng loại’ của cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm nay, thầy Thạch đã vươn lên với điểm số nổi bật và là một trong những thí sinh có điểm chấm sáng kiến cao nhất. Thầy Thạch chia sẻ: “Có thể nhiều ý kiến cho rằng, việc làm sáng kiến là để đối phó hoặc là để chạy thành tích. Tuy nhiên, với tôi làm sáng kiến hoàn toàn là đam mê và những sáng kiến mà tôi hoàn thành đều được đúc rút từ thực tế giảng dạy của mình và hướng tới mục tiêu đầu tiên là sáng kiến có thể áp dụng được cho tất cả học trò”.
Thầy Thạch cũng chia sẻ, nghề làm thầy giáo cho anh nhiều cung bậc cảm xúc và mỗi một học trò khác nhau thì giáo viên lại phải có một phương pháp riêng. Ngày mới ra trường, anh được phân công vào một lớp “cá biệt”, chủ nhiệm lớp bán công. 
Để thầy trò luôn gần gũi, anh phải nắm bắt từng hoàn cảnh của học sinh, chia sẻ với các em như anh em trong một gia đình. Học sinh nào yếu thì phải chuyên tâm phụ đạo thêm cho các em. Sau này, khi đã có kinh nghiệm, nhà trường thường phân công cho anh chủ nhiệm ở lớp điểm để bồi dưỡng, tạo nguồn học sinh giỏi. Thế nhưng, dù được ưu tiên nhưng anh luôn đề nghị mình được dạy thêm ở lớp yếu hơn để có thể giúp học sinh và cũng chính là để tự bồi dưỡng mình, làm quen với nhiều “tình huống” sư phạm khác nhau.
Thầy giáo Phan Hoàng Thạch cùng các học trò.

Đây cũng chính là kinh nghiệm rất tốt cho anh ở kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh khi anh tình cờ bốc thăm dạy học ở một lớp bình thường, học sinh không được biết trước bài học... Tuy nhiên, chính tình huống nảy sinh trong tiết dạy và được anh xử lý hài hòa, hợp lý lại được ban giám khảo đánh giá cao và cuối cùng vượt hơn 100 giáo viên khác để giành vị trí “thủ khoa” môn Toán học. Nói về kết quả này, thầy giáo Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành cho biết: “Khi biết thầy Thạch đạt kết quả cao nhất cuộc thi, tôi thực sự không bất ngờ bởi tôi đã phụ trách tổ Toán nhiều năm của trường và tôi hiểu rõ năng lực của thầy Thạch. Đây là một giáo viên trẻ có năng lực, có đam mê, luôn hết mình vì học trò và đặc biệt không ngừng sáng tạo, đổi mới để nâng cao chất lượng các bài dạy”.

Khuyến khích điểm 10 nếu bài Văn có tính sáng tạo

Khác với thầy giáo Phan Hoàng Thạch, cô giáo Lê Thanh Huyền - giáo viên dạy môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đến với nghề giáo khá thuận lợi bởi chị từng là học sinh giỏi Văn Quốc gia, từng là giảng viên của Trường Đại học Vinh. Chị là một trong những giáo viên trẻ nhất giành được thành tích “thủ khoa” tại cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh khi tuổi đời chỉ mới 32 tuổi.
Trò chuyện, cô Huyền rất ngại nói đến thành tích, bởi với chị đó chỉ là một cuộc thi và bản thân ai đi thi cũng cần phải cố gắng. Thay vào đó, chị nói rất nhiều đến công việc giảng dạy, đến học trò của mình, với những quan niệm rất riêng, rất trẻ về nghề giáo. Theo chị, điều may mắn là được làm việc ở một ngôi trường điểm, có rất nhiều đồng nghiệp giỏi, sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho giáo viên trẻ. Học trò ở trường cũng rất thông minh và tài năng, buộc giáo viên phải tự làm mới mình.
Nói về giáo viên dạy Văn, chị tâm sự: “Người ta vẫn nói học sinh ngày nay rất ngại học môn Văn nhưng tôi thấy, dù là học sinh khối tự nhiên hay là học sinh chọn các môn xã hội đều yêu thích môn học này. Theo tôi, nếu nói về môn Văn, chúng ta đừng chỉ nghĩ đơn thuần là học các tác phẩm trong sách giáo khoa. Quan trọng hơn, người giáo viên phải truyền được cảm hứng cho học sinh. Trong một tiết dạy mình không nhất thiết phải nói hết mọi kiến thức trong bài học khiến học sinh nặng nề và mệt mỏi. Thay vào đó người giáo viên phải đặt câu hỏi, tổ chức các hoạt động và qua đó, giáo viên phải thấy được sự sáng tạo và tư duy thông minh của học sinh”.

Cũng bởi suy nghĩ này nên cô giáo Lê Thanh Huyền có những cách ra đề rất riêng, đầy gợi mở và việc cho điểm cũng rất linh hoạt. “Để đánh giá học sinh không cần phải nhìn vào một bài Văn dài và đầy đặn mà tôi sẽ cho điểm các em trong quá trình dạy. Ngoài ra, cùng một đề nhưng tùy vào đối tượng học sinh tôi sẽ cho đáp án và thang điểm khác nhau. Thậm chí tôi cho rất nhiều học sinh điểm 10 nếu trong bài viết các em tôi thấy được sự trải nghiệm đời sống sâu sắc và có sự thấu hiểu", cô Huyền chia sẻ. 

Cô giáo Lê Thanh Huyền và các học trò ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Đến với cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh, những quan niệm này cũng được chị đem vào trong bài giảng và chị cảm nhận được sự yêu thích của các em với tiết học của mình. Trong tiết dạy thực hành, chị cũng đã gặp một tình huống khá đặc biệt khi giáo viên đặt câu hỏi nhưng không nhận được sự hợp tác của học sinh.

Nhưng, chính kinh nghiệm giảng dạy và sự tự tin trong xử lý tình huống của chị đã chinh phục được ban giám khảo. Nói thêm về kết quả, chị cũng khẳng định: “Tôi nghĩ rằng không có bất cứ một sự may mắn nào và đây là kết quả của một hành trình dài nỗ lực, phấn đấu và tích lũy. Tôi cũng không cho đây là cái đích cuối cùng và mọi sự cố gắng của mình bao giờ cũng chưa đủ. Điều này, trước tiên là vì chính bản thân mình và cuối cùng chính là dấu ấn của mình trong mắt học trò, bạn bè và đồng nghiệp”.