(Baonghean) - Qua trao đổi, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An khẳng định, giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72) đang giai đoạn “sản xuất thử”. Vậy nhưng tại Đề án sản xuất vụ hè thu năm 2016 của huyện Thanh Chương giống lúa này đã được đưa vào “sản xuất đại trà”; và Đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cơ cấu giống cho toàn tỉnh cũng tương tự...

Vì sao Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thanh Chương lại thông báo với người sản xuất giống lúa Khang dân cải tiến là giống lúa “sản xuất đại trà”?

Trả lời nội dung này, ông Võ Hữu Hoan - Giám đốc Công ty CP VTNN huyện Thanh Chương giải thích rằng, “do đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thanh Chương nên công ty thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND huyện”.

Cụ thể, chỉ đạo này được nêu tại Kết luận số 04 ngày 1/4/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương về Đề án sản xuất vụ hè thu 2016 (tại đề án, giống lúa Khang dân cải tiến được đưa vào cơ cấu sản xuất với diện tích 800 ha).

Ông Hoan cũng cho hay, khi nhận được thông tin giống lúa Khang dân cải tiến đang ở giai đoạn “sản xuất thử” thì đã có trao đổi với ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, thì được ông Thanh trả lời “Thường vụ Huyện ủy đã kết luận rồi!…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Lê Đình Thanh, thì trên địa bàn huyện có khoảng 1.600 ha diện tích đồng ruộng thấp trũng, dễ ngập lụt vào cuối vụ hè thu nên việc tìm một loại giống ngắn ngày và chất lượng là yêu cầu rất cấp thiết.

Thời điểm Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo chuẩn bị cho vụ hè thu 2016, huyện Thanh Chương được tham dự. Tại hội thảo này, Sở NN&PTNT có đưa ra dự thảo cơ cấu giống cho vụ hè thu 2016, trong đó giống lúa Khang dân cải tiến được cơ cấu giống sản xuất đại trà cho vùng chạy lụt.

Vì bản chất Khang dân cải tiến là giống lúa thuần được cải tiến từ giống lúa Khang dân 18; hơn nữa, năm 2015 địa bàn huyện cũng đã đưa vào khảo nghiệm sản xuất với diện tích là 5 sào và có kết quả tốt. Thế nên, UBND huyện Thanh Chương đã đưa vào đề án trình Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định đưa giống lúa này vào sản xuất. Và thực tế đã sản xuất với diện tích khoảng 550 ha.

images1687085_bna_57dae4421cb32.jpgCánh đồng sản xuất lúa Khang dân cải tiến ở xã Thanh Hà, Thanh Chương.

Tìm hiểu thì lý giải của ông Lê Đình Thanh có cơ sở. Vì tại Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ hè thu - vụ mùa năm 2016 của Sở NN&PTNT ban hành vào ngày 14/4/2016, giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72) là 1 trong 4 loại giống được định hướng, cơ cấu giống.

Và theo ông Phan Duy Thiều - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính của Sở NN&PTNT, một khi sở đã đưa vào “định hướng cơ cấu giống” thì đương nhiên phải là “giống đã được công nhận”. Ông Thiều cũng cho hay, việc tham mưu xây dựng đề án là do Phòng Trồng trọt (nay thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật). 

Vậy nhưng, tại buổi làm việc với Phòng Trồng trọt -  Chi cục Bảo vệ thực vật, khi chúng tôi đề nghị được làm rõ những căn cứ để đưa giống lúa Khang dân cải tiến vào định hướng cơ cấu giống vụ Hè thu 2016, thì chỉ có duy nhất Báo cáo kết quả khảo nghiệm sản xuất tại vụ hè thu 2015 (do Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An chuyển qua email).

Đặt câu hỏi với ông Cao Đăng Tâm - Trưởng phòng Trồng trọt rằng, giống lúa Khang dân cải tiến chưa thực hiện quy trình sản xuất thử, chưa được Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia, vì sao lại tham mưu cho Sở NN&PTNT đưa vào định hướng cơ cấu giống?

Câu hỏi này, ông Cao Đăng Tâm không giải thích được với lý do “thời điểm thực hiện tham mưu đề án, Phòng Trồng trọt đang trực thuộc Sở NN&PTNT”. Còn cá nhân ông Tâm, khi đó là người của chi cục… Hỏi ông Tâm, ai là người ở Chi cục Bảo vệ thực vật có thể giải đáp điều này? Ông Tâm cho hay: “Hiện lãnh đạo không có ở chi cục. Tôi sẽ báo cáo vấn đề này để lãnh đạo chi cục trả lời trong một dịp khác…”.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Giống lúa Khang dân cải tiến thực sự có những ưu điểm gì?

Theo Báo cáo kết quả khảo nghiệm sản xuất giống lúa Khang dân cải tiến (DCG72) vụ hè thu 2015 tại Nghệ An của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, giống lúa này được cải tiến từ giống Khang dân 18 theo hướng ngắn ngày; được nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con tại các vùng thấp trũng bị ngập lụt do mưa bão vào cuối vụ hè thu.

Ở vụ hè thu 2015, giống lúa Khang dân cải tiến được tiến hành khảo nghiệm với quy mô 16 ha tại 5 huyện của tỉnh là Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương và Yên Thành; kết quả đánh giá là: “Giống sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và đẻ tập trung; trổ thoát, trổ tập trung. Giống thuộc dạng hình bông to, nhiều hạt (đạt 123,6 - 154,6 hạt; tỷ lệ lép dao động từ 19,6 - 22,3%). Giống cho năng suất cao (vụ hè thu 2015 đạt 58,2 - 66,0 tạ/ha)”. 

Tuy nhiên, tìm hiểu về vụ hè thu năm 2015, huyện Đô Lương là địa bàn khảo nghiệm giống lúa Khang dân cải tiến lớn nhất tỉnh, với diện tích 12 ha, chiếm 75% (tại 2 xã Xuân Sơn và Mỹ Sơn), và kết quả khảo nghiệm lại rất kém.

Cụ thể, theo Báo cáo của Trạm Khuyến nông huyện Đô Lương: “Trong vụ hè thu 2015, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An đã đưa giống lúa cực ngắn ngày DCG72 trồng tại xã Xuân Sơn và Mỹ Sơn với tổng diện tích 12 ha. Qua quá trình đánh giá tại mô hình, giống DCG72 có thời gian sinh trưởng 83 ngày (gieo thẳng) – 89 ngày (cấy), có khả năng thích ứng rộng, thấp cây, góc lá đòng hẹp, lá đòng dài nhưng bông ngắn và tỷ lệ lép cao, từ 30 - 35% nên năng suất chỉ đạt 2,2 -2,3 tạ/sào”. Trong khi đó, Báo cáo của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An thì ghi kết quả khảo nghiệm giống lúa Khang dân cải tiến ở xã Xuân Sơn có tỷ lệ hạt lép là 20,5%; năng suất thực thu là 66 tạ/ha. 

Bông lúa Khang dân cải tiến hạt nhỏ, tỷ lệ lép cao, số lượng hạt ít.

Và, bởi giá trị sản xuất đạt thấp, ở vụ hè thu 2016, huyện Đô Lương chỉ thực hiện sản xuất giống lúa Khang dân cải tiến trên diện tích 2,2 ha. Việc thực hiện này, nhằm mục đích thâm canh giống lúa Khang dân cải tiến bằng phương pháp bón phân cải tiến để tìm hướng nâng cao giá trị sản xuất; giúp người nông dân nắm bắt được kỹ thuật, qua đó, nhân rộng mô hình.

Cho đến nay, Trung tâm Khuyến nông Đô Lương đã có báo cáo kết quả xây dựng mô hình về thâm canh giống lúa cực ngắn ngày DCG72 bằng phương pháp bón phân cải tiến. Qua báo cáo, giá trị sản xuất đạt được có cao hơn kết quả khảo nghiệm năm 2015, nhưng vẫn kém rất xa so với báo cáo của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, tỷ lệ hạt lép giảm còn 24,1%; năng suất đạt 54,1 tạ/ha…

Như với những gì đã nắm bắt ở huyện Đô Lương cho thấy, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An đã có đánh giá sai lệch về giá trị sản xuất của giống lúa Khang dân cải tiến trong quá trình thực hiện khảo nghiệm năm 2015.

Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Sở NN&PTNT  đã bỏ qua quy định của Bộ NN&PTNT tại Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN để định hướng cơ cấu giống lúa Khang dân cải tiến trong vụ hè thu năm 2016.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một báo cáo nào nói về giá trị sản xuất của giống lúa Khang dân cải tiến thực hiện trong vụ hè thu năm 2016. Tuy nhiên, qua nắm bắt từ thực tế ở một số địa bàn Thanh Chương, Hưng Nguyên, người nông dân trực tiếp sản xuất loại giống này cho hay năng suất giống lúa Khang dân cải tiến không cao, thậm chí thấp thua giống lúa Khang dân 18 (chỉ đạt khoảng 1,8 - 2,2 tạ/ha).

Thực ra, dù việc sản xuất giống lúa Khang dân cải tiến trong vụ hè thu năm 2016 có đạt được kết quả như thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể “xóa” được những vi phạm của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An; bên cạnh đó, là sự lỏng lẻo trong quản lý của Sở NN&PTNT. 

Trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, một trong những giải pháp cơ bản là cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến đa dạng các loại giống phù hợp điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng cho các vùng, miền, khu vực để nâng cao giá trị sản xuất.

Vì vậy, việc đưa các loại giống mới vào tiến hành khảo nghiệm là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cách làm như của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An và của Sở NN&PTNT là đáng phải xem xét, các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ để có biện pháp chấn chỉnh.  Điều cuối cùng muốn nói là hậu quả của những vi phạm trên người nông dân đang phải gánh chịu.

Nhóm PVĐT

TIN LIÊN QUAN