Còn nhiều vi phạm
Thời gian qua, thực hiện các chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp, nhằm tăng cường kiểm soát các hoạt động nghề cá trên địa bàn, đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng theo pháp luật Việt Nam, các quy định của quốc tế, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc khai thác hải sản không đúng quy định vẫn diễn ra, chủ yếu là tàu giã cào khai thác thủy sản ven bờ, khai thác sai mùa vụ, sai nghề, nghề cấm (bát quái, ống thổi gắn lưỡi bừa, lưới có gắn lưỡi bừa..) và sử dụng chất nổ, kích điện.
BĐBP kiểm tra thu giữ dụng cụ kích điện trên tàu cá. Ảnh: Hải Thượng Điển hình vào lúc 4 giờ sáng ngày 13/3/2019 tàu Kiểm ngư Nghệ An đang tuần tra, kiểm soát trên biển thì phát hiện 2 tàu cá của ngư dân huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu đang sử dụng kích điện để đánh bắt hải sản gần bờ. 2 tàu cá bị phát hiện sử dụng kích điện là của ngư dân Nguyễn Văn Triều (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) và Vũ Sỹ Thành (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu). Qua kiểm tra phát hiện trên các tàu này chứa 2 bộ kích và hàng trăm mét dây điện. Được biết, những bộ kích điện này khi được gắn vào lưới dạ sẽ tạo ra dòng điện làm chết tôm, cá dưới vùng biển gần bờ. Đây là hành vi vi phạm Nghị định 103- 2013/NĐ-CP của Chính phủ trong hoạt động thủy sản.
Trước đó vào lúc 7 giờ, ngày 18/12/2018, trong lúc tuần tra kiểm soát tại khu vực biển xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tổ tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy (BĐBP Nghệ An) đã phát hiện bắt giữ 4 phương tiện đang có hành vi đánh bắt hải sản không đúng với nội dung ghi trong giấy phép đăng ký vùng khai thác hải sản. Các chủ phương tiện gồm: Vũ Văn Hợi (SN 1971), Trần Văn Bình (SN 1959), Hoàng Văn Thuận (SN 1984) và Nguyễn Văn Thủy (SN 1984) đều quê ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu đã bị lập biên bản, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, Chi cục Thủy Sản Nghệ An đã phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyến biển, Chi cục Kiểm ngư vùng 1 thực hiện kiểm tra 156 phương tiện. Qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 29 phương tiện với tổng số tiền 162.300.000 đồng; tịch thu 6 bộ kích điện, 5 lưới giã, 145 dây điện.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, khai thác trái tuyến, sử dụng giấy phép KTTS quá hạn từ 60 ngày trở lên, tàng trữ vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản, vi phạm vùng biển nước ngoài, không ghi hoặc ghi chép nhật ký khai thác không đầy đủ.
Theo lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi; các đối tượng sử dụng nhiều hình thức che dấu kích điện, sử dụng thuyền nhỏ đưa kích điện lên tàu đậu ngoài cửa lạch...; khi lực lượng kiểm ngư phát hiện hành vi vi phạm thì đối tượng bỏ chạy, chặt lưới, dây điện ném xuống biển nên cơ quan chức năng không có căn cứ xử lý. Nhiều trường hợp dùng tàu, lưới cao tốc kéo vào thời điểm ban đêm nên rất khó phát hiện; khi bị kiểm tra các đối tượng chống đối quyết liệt không chịu dừng tàu, chèn ép tàu và xuồng Kiểm ngư...
Những hành vi trên đều không được pháp luật cho phép bởi đó là hình thức khai thác mang tính tận diệt, để lại tác hại lớn và lâu dài cho môi trường tự nhiên, nhất là khu vực gần bờ.
Lực lượng biên phòng kiểm tra phương tiện lấy lời khai các chủ tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản bằng kích điện trái phép. Ảnh: Hải Thượng
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 31/01/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 06/CT- UBND về tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Thủy sản 2017 và các quy định về khai thác IUU cho bà con ngư dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, tại Thông báo số 95/TB-UBND ngày 20/02/2019 về Kết luận của đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp tăng cường triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) cũng nêu rõ một số hạn chế cần sớm được khắc phục: đó là công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời yêu cầu các địa phương ven biển tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Thủy sản 2017; các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 14, Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc sử dụng ngư cụ khai thác kiểu hủy diệt trên biển sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: Thực hiện Chỉ thị 06 và Thông báo số 95 của UBND tỉnh, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu thành lập 03 tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Lạch Vạn, Lạch Quèn và Cửa Hội theo hướng dẫn của Ủy ban châu Âu (EC), mỗi tổ khoảng 7 người.
Mục đích nhằm đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát truy suất nguồn gốc khai thác hải sản đầy đủ, minh bạch. Theo đó, 100% tàu cá rời bến đều được kiểm tra hồ sơ giấy tờ (sổ nhật ký khai thác, giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, chứng chỉ, văn bằng thuyền trưởng, máy trưởng, sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; các trang thiết bị đảm bảo an toàn, hàng hải, ngư lưới cụ (kích thước mắt lưới...).
Người dân đăng ký xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng Lạch Vạn. Ảnh: Khánh Ly Khi tàu cá cập bến, các tổ liên ngành kiểm tra thực tế sản lượng khai thác; đối chiếu thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác.
Khi phát hiện tàu cá/chủ tàu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam; pháp luật về thủy sản, khai thác các loại bị cấm, khai thác các loại nhỏ hơn quy định, hoặc các loại thủy sản có trong danh mục quý hiếm, nguy cấp... phải tiến hành lập biên bản giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngư dân Quỳnh Lưu vươn khơi bám biển. Ảnh: Tư liệu Bên cạnh đó, các tổ công tác liên ngành thường trực 24/24h tại các cảng cá còn chịu trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật, của UBND tỉnh về chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, hướng dẫn ngư dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Ngoài tuyên truyền, tập huấn, chiếu video giải đáp thắc mắc trực tiếp, còn phát tờ rơi, áp phích kèm hướng dẫn cho các chủ tàu cá về các quy định liên quan. Mặt khác, để hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm soát, 2 tàu kiểm ngư cũng đã được điều tới cảng cá Lạch Quèn và Lạch Vạn nơi tập trung đông tàu khai thác hải sản.
Tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Lạch Vạn. Ảnh: Khánh Ly Hiện tại các ngành chức năng liên quan đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo nhắn tin tự động về Trạm bờ (Chi cục Thủy sản). Cụ thể: 1.359 tàu trên toàn tỉnh có chiều dài từ 15m trở lên phải hoàn thành trước 01/7/2019; 234 tàu có chiều dài từ 24m trở lên phải hoàn trước 01/4/2019.
“Những tàu không lắp đặt thiết bị giám sát và chưa hoàn thành đủ các thủ tục giấy tờ, trang bị an toàn theo quy định của pháp luật chúng tôi sẽ kiên quyết không cho xuất bến và không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”
Ông Nguyễn Chí Lương- Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An
Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, hiện số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh tương đối lớn nên đơn vị đang đề nghị lắp đặt thêm 1 trạm bờ nữa để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào các cảng cá.
Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế trong hoạt động khai thác hải sản của các chủ phương tiện.
Yêu cầu các chủ tàu cá khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và mở máy hoạt động 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển để cơ quan chức năng quản lý, giám sát.
Nghệ An có bờ biển dài 82 km, với 6 cửa Lạch (Cờn, Quèn, Thơi, Vạn, Lò, Hội). Hệ thống cảng cá gồm 4 cảng: Lạch Vạn, Cửa Hội, Lạch Quèn và Cảng cá Quỳnh Phương được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập cảng và tránh trú bão. Tổng số tàu thuyền là 3.902 chiếc, công suất bình quân 162,64 CV/tàu, chủ yếu làm nghề lưới kéo, rê, vây, chụp. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm là 130.000 tấn/năm