(Baonghean) - Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi về vấn đề cải cách, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp cơ sở.

resize_images1950902_nsd.jpgTiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh: Đức Anh

- Cấp cơ sở là cấp gần dân, có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nếu cấp  cơ sở chất lượng chưa đáp ứng, thì không những gây ra cản trở, trì trệ, mà còn tạo nhiều bức xúc, xói mòn niềm tin. Do đó, việc cải cách và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đang là một nhu cầu thực tế. Theo ông, cần làm gì để cải cách, nâng cao chất lượng cán bộ công chức cấp cơ sở?

- Tôi cho rằng mấu chốt của cán bộ, công chức, người lao động ở cấp cơ sở có 2 vấn đề, thứ nhất là vấn đề năng lực, thứ hai là vấn đề động lực để phục vụ dân.  

Còn động lực là anh có muốn phục vụ dân không, anh có buộc lòng phải phục vụ dân không? Dĩ nhiên đây là vấn đề cần nhìn nhận một cách thực tế và biện chứng. Vấn đề năng lực chính là vấn đề trình độ, kiến thức để thực hiện nhiệm vụ công việc tại vị trí được giao mà người dân cần anh  để anh phục vụ đúng luật, đúng quy định, và được việc. Nếu anh không biết triển khai như thế nào, anh không có kỹ năng, kiến thức để triển khai công việc, để phục vụ người dân, thì rõ ràng là năng lực có vấn đề. Do đó, nâng cấp chất lượng cán bộ cơ sở thì phải nâng cao năng lực của họ, phải đưa ra yêu cầu không chỉ đơn thuần về mặt chuẩn hóa bằng cấp, mà cần đi vào thực chất, thông qua thước đo trình độ, kiến thức phục vụ nhân dân.

- Theo ông, hai vấn đề năng lực và động lực, vấn đề nào quan trọng hơn và vì sao?

- Để cải cách chất lượng phục vụ ở cấp cơ sở thì phải nhắm đến cả hai vấn đề năng lực và động lực, trong đó tôi cho rằng vấn đề cải cách động lực quan trọng hơn. 

Động lực phục vụ có 2 cách. Cách thứ nhất, phụ thuộc vào dân thì có động lực phục vụ dân. Người ta bảo do dân thì mới có thể vì dân, đó là quy luật, định luật. Nếu tôi phụ thuộc vào “quan huyện”, cấp huyện, thì động lực của tôi là phục vụ cấp huyện, là làm vừa lòng “quan huyện”, cấp huyện. Còn nếu tôi phụ thuộc vào người dân trong xã thì tôi phải phục vụ nhân dân xã. Con người ta là như vậy, nếu anh cảm thấy động lực đến từ đâu thì anh sẽ thiết kế động lực từ đó. 

Ta đã đưa ra dự kiến thí điểm để người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Tôi cho rằng không có gì phục vụ cải cách chất lượng cán bộ công chức ở cấp cơ sở bằng cách để người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã. Cải cách là phải để dân bầu, vì dân là người biết hơn, biết rõ. Nếu dân bầu trực tiếp, thì chỉ có cách là phục vụ dân cho tốt thì dân mới bầu.  

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng nếu cứ xin được vào cơ quan hành chính, cơ quan chính quyền, rồi ngồi vào đấy chắc chân suốt đời thì làm sao có động lực? Ảnh: Đức Anh

Bầu một ông đại biểu tỉnh, đại biểu Quốc hội có thể dân không biết, nhưng bầu cán bộ xã thì dân biết rõ rồi. Đó là cách cung cấp động lực tốt nhất. Do đó, nếu chủ trương bầu trực tiếp thì giải quyết vấn đề động lực phục vụ dân rất tốt. Tôi cho rằng vấn đề động lực vẫn có thể xử lý được. 

Có người nói chủ tịch xã cũng chỉ một người, vấn đề là cả bộ máy. Tôi cho rằng bộ máy đó phụ thuộc vào chủ tịch UBND phường, xã, nếu bộ máy phục vụ dân kém thì được dân bầu, bộ máy phục vụ dân tốt thì được dân bầu, do đó người đứng đầu chính quyền phường, xã phải lo, phải chủ động về sự vận hành tích cực cho bộ máy của mình. 

Cách thứ hai là đo đếm sự hài lòng của dân. Nghệ An chúng ta cũng nên làm, và làm thực chất. Ví như đo xem người dân xã hài lòng với ủy ban nhân dân xã như thế nào? Ai được dân tín nhiệm hơn? Có thể đo đếm bằng cách đặt một dụng cụ đo đếm ở trụ sở ủy ban, ghi 2 mức, hài lòng không hài lòng. Người dân sau khi giải quyết công việc với cán bộ ra sẽ đến đó để đánh giá hài lòng hay không hài lòng. Trên cơ sở kết quả đánh giá đó làm căn cứ khi giới thiệu đề bạt, khen thưởng, đề xuất tăng lương, các hình thức động viện, khuyến khích. 

Còn về vấn đề năng lực, thì vấn đề cải cách đầu tiên phải là khâu tuyển chọn, phải tuyển chọn thật. Người tài ngoài xã hội nhiều, không ít đâu. Mỗi năm ta thừa khoảng vài trăm nghìn cử nhân tốt nghiệp không có việc làm. Chính phủ cũng đã có đề án đưa 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã, cần xem xét khách quan mặt được và mặt chưa được, từ đó điều chỉnh, nhân rộng. Từ nguồn sinh viên tốt nghiệp đại học, từ nguồn người tài trong xã hội, ta cần có cơ chế tuyển dụng phù hợp để thu hút họ vào làm việc. 

Cùng với cơ chế tuyển dụng là cơ chế sử dụng. Nếu phát huy tốt, phục vụ tốt thì sử dụng, nếu không phục vụ tốt thì buộc phải kỷ luật, sa thải, phải giải phóng chỗ cho người có năng lực, có động lực làm. Chứ cứ xin được vào cơ quan hành chính, cơ quan chính quyền, rồi ngồi vào đấy chắc chân suốt đời thì làm sao có động lực? 

Việc quan trọng nữa là cải cách tiền lương. Giờ chưa phân quyền, đang phân theo biên chế thì phải trả lương cho chu đáo, phải đảm bảo đời sống, chứ không thể để cán bộ cấp cơ sở không đủ sống. Nếu không đủ sống thì sẽ tìm cách kiếm sống dễ vi phạm vào Luật Phòng chống tham nhũng. Chúng ta đã có cải cách về tiền lương nhưng theo tôi đến nay vẫn chưa đáp ứng được cho cán bộ, công chức, người lao động cấp cơ sở.

Còn khi đã phân quyền rõ ràng, thì phải phân cả nguồn thu để cấp xã chủ động nguồn phân quỹ lương. Phải tạo cho cấp cơ sở cơ chế chủ động để đảm bảo nguồn thu nhập đảm bảo đủ sống cho người lao động một cách minh bạch, rõ ràng, không vi phạm và không phải vận dụng trái quy định. Phải có nguồn thu cho các cấp, cấp nào theo mức nào, sau đó cấp Trung ương bù vào. Trong các vấn đề cải cách thì cải cách về tài chính phải đi theo, phải có nguồn thu cho từng cấp chính quyền.

Tóm lại, điều quan trọng là đảm bảo động lực và năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong bộ máy cấp xã. Nhắm vào động lực và năng lực thì sẽ thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân thành công.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ngô Kiên

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN