(Baonghean) - Tuần qua, hai bài viết “Nác trửa sông” của Duy Hương ở chuyên mục “Góc nhìn người Nghệ” đăng ngày 25/9 và bài “Phim lịch sử muôn năm” của Hải Triều đăng ở chuyên mục “Cùng suy ngẫm” trên Nghệ An cuối tuần ra ngày 28/9 đều bàn về việc 21 tỷ đồng làm phim “Sống cùng lịch sử”, nhưng khi chiếu lại không có một người xem. Ở hai góc nhìn khác nhau, 2 bài viết đưa đến cho chúng ta những điều cần suy ngẫm.

Trước hết là vấn đề về chi phí 21 tỷ đồng. Với góc nhìn của tác giả Duy Hương, đây là một con số không hề nhỏ. Và điều quan trọng đó là tiền thuế do người dân đóng góp. Đồng ý rằng, 21 tỷ với mục đích tuyên truyền về lịch sử thì rất đáng làm, rất đáng hoan nghênh. Vậy nhưng, họ đã sử dụng 21 tỷ đó như thế nào? Ròng rã cả năm trời và được ưu tiên đủ thứ, nhưng họ đã làm ra một bộ phim mà khi công chiếu “nỏ có lấy một ngài coi”. Rứa thì thất bại, thất bại thảm hại, không chỉ về mặt kinh tế mà quan trọng hơn là mặt tuyên truyền. Lý do ư? Vì họ làm phim không hay, không đổ vào đó trách nhiệm và tâm huyết. Vì 21 tỷ đó là ngân sách nhà nước, làm theo tư tưởng bao cấp “được chăng hay chớ”. Chứ họ không phải bỏ tiền túi ra nên họ cũng chẳng phải bỏ công sức, vắt óc suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để có phim hay phục vụ công chúng? Làm thế nào để có doanh thu? Vì đó là “của chung”, là “nác trửa sông” nên chẳng ai phải chịu trách nhiệm!
images1059167_d58fb223_b4c4_4edc_89eb_6d0c25c10621_img1431.jpgẢnh minh họa
Dưới một góc nhìn khác, Hải Triều lại đem đến cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy ngẫm xung quanh câu chuyện này. Trước hết là khâu truyền thông cho bộ phim này. Cùng thời điểm công chiếu, bộ phim “Scandal 2” của Victo Vũ trong ngày đầu ra rạp đã bán được 720 suất, thu về 10 tỷ đồng, tạo nên “cơn địa chấn”. Trong khi đó, phim “Sống cùng lịch sử” chẳng bán được vé nào. Nguyên nhân, trước hết là do khâu tuyên truyền, quảng bá. Trong khi Scandal 2 được quảng cáo rầm rộ bằng nhiều hình thức thì “Sống cùng lịch sử” lại “im hơi lặng tiếng”.
 
Thứ hai, đó là cái “Tâm” của người làm nghệ thuật. Cả ê kíp làm phim, vì tiêu tiền nhà nước nên chẳng phải xót xa gì, chẳng trăn trở, dốc sức, dốc lòng để có phim hay. Do đó, tác giả đặt ra câu hỏi: “Tại sao những bộ phim về đề tài chiến tranh, lịch sử ngày xưa cực kỳ thành công”?  Và đưa ra lý giải: “Là vì không có điều kiện về công nghệ, kỹ thuật nên chỉ có thể tập trung vào diễn xuất, nội dung. Mà những cái đó mới làm nên sự chân thực chứ không phải là sử dụng khói gì, pháo gì cho hoành tráng, máy quay gì cho nước phim đẹp”. Nguyên nhân nữa là: “nói tư nhân hơn Nhà nước vì người ta có tiền, họ hơn ở cách sử dụng đồng tiền. Tiền túi bỏ ra, yêu cầu họ đặt ra đương nhiên phải cao, bởi vì lời ăn lỗ chịu không ai gánh hộ họ. Động cơ chính của họ chưa chắc là nghệ thuật mà là doanh thu, nhưng suy cho cùng, chính cái động cơ rất cá nhân ấy cũng ràng buộc, đảm bảo cho chất lượng của sản phẩm”.
 
Thứ ba, đó là cái “Tầm” của những nhà làm phim. Chiến tranh, lịch sử xem mãi cũng bão hoà. Phải xác định được, cũng đề tài ấy, trong 1 thời kỳ, góc nhìn, sự quan tâm của công chúng hướng vào 1 điểm nhưng sang thời kỳ khác, công chúng lại có góc nhìn khác, mối quan tâm khác. Đất nước mình có đang chiến tranh khói lửa đâu mà các nhà làm phim cứ nhai đi nhai lại "Xung phong", "Quyết thắng", "Muôn năm"... Những cái đó xưa quá, nhàm quá rồi. Công chúng bây giờ thích tình yêu, bi kịch, thậm chí là những cái trần trụi, những cái đó thời nào chẳng có? Nếu biết khai thác, hoàn toàn có thể lồng ghép được lịch sử với những giá trị tưởng như rất bình thường đó, làm cho chúng không tầm thường mà chân thực, đẹp và đi vào lòng người. Trong thời đại hiện nay, mà cứ hô hào “lịch sử muôn năm” với những điều cũ rích thì thử hỏi lấy gì làm hấp dẫn? Một đạo diễn có tầm, một nhà kịch bản có tầm, họ sẽ khai thác vấn đề này dưới một góc độ khác, cách nhìn khác, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn cho phim. 
 
Cuối cùng vấn đề vẫn là “cha chung ai khóc”?
 
Người Xây Dựng