Một ngày đầu tháng 11, chỉ sau một trận mưa nhỏ, con đường đất đỏ dài hơn 1km vào xã Phú Sơn (huyện Tân Kỳ) nhanh chóng biến thành ruộng cày. Những chiếc xe tải vào xã thu mua nông sản phải oằn mình mất gần một tiếng mới có thể vượt qua các đoạn đường lầy lội.
Tuy nhiên, đây cũng là tuyến đường độc đạo nối xã Phú Sơn với các xã còn lại. Nguyên nhân bởi tuyến đường nằm trong dự án trăm tỷ dẫn vào xã này đến nay vẫn chưa làm xong sau gần 10 năm khởi động.
“Con đường này mới được cán bộ, nhân dân xã Phú Sơn chúng tôi góp tiền thuê chở đất, rồi mượn ruộng của dân Nghĩa Hành để làm được vài ngày. Nhưng nếu mưa xuống thì cũng khó mà qua lại”, ông Nguyễn Hải Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn nói.
Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ bao gồm 18 km đường nhựa và cầu Phú Sơn bắc qua sông Con, được khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư sau nhiều lần bổ sung lên đến 162 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến đường trên và cây cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 36 tháng.
Tuyến đường này sẽ nối liền đường Hồ Chí Minh vào trung tâm xã Phú Sơn, được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như giao thương giữa các vùng miền, chấm dứt việc người dân nơi đây hàng ngày phải đi đò qua sông, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, 2 lần thay đổi nhà thầu, 4 lần gia hạn thời gian thi công, dự án vẫn còn dang dở.
“Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, hồi đầu năm nay, cây cầu cuối cùng cũng cơ bản hoàn thành để thông xe. Tuy nhiên, tuyến đường dẫn lên cầu lại chưa qua được vì họ chưa làm cống. Chúng tôi ước tính, phần cống này chỉ tốn khoảng 5 tỷ đồng” - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn nói.
Không có cống, đồng nghĩa với việc có cầu cũng như không. Vì sự bất tiện này, người dân Phú Sơn đã phải mở một lối đi vòng dài khoảng 1 km bằng đất đỏ. Tuyến đường băng qua những cánh đồng thuộc địa bàn xã Nghĩa Hành.
Tuyến đường thuộc dự án dài 18km, đến nay đã hoàn thành được 13 km. Theo ghi nhận, chỉ còn lại 3km thuộc phần đường dẫn lên cầu chưa được triển khai, trong đó có một đoạn phải làm cống.
“10 năm trước, khi thấy cầu được khởi công, ai ai cũng phấn khởi. Nhưng chờ mãi chẳng thấy xong, những thế hệ đầu tiên lên đây phát rừng làm kinh tế mới bây giờ chỉ một cụ còn sống. Ai cũng mong có một ngày dễ dàng qua sông Con nhưng sao mà khó quá” - ông Nguyễn Văn Thảo (62 tuổi), chua xót nói.
Người dân xã Phú Sơn chủ yếu sống dựa vào cây mía. Tuy nhiên, tuyến đường dang dở, giao thông đi lại khó khăn khiến các đầu nậu thường xuyên ép giá người dân.
Đại diện chủ đầu tư cho hay, dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn khởi công xây dựng vào năm 2009, tổng kinh phí ban đầu là 117 tỷ đồng nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, nay kinh phí toàn bộ dự án đã lên đến 162 tỷ đồng.