Đã từ lâu lò SLNA vẫn thể hiện khá tốt trình độ đánh chặn, với những quả xoạc đặc trưng cùng với phong cách thi đấu xông xáo, không ngại va chạm. Cũng từ khá lâu, SLNA cung cấp khá nhiều hậu vệ hàng phòng thủ ĐT Việt Nam như Hữu Thắng, Huy Hoàng, Ngọc Hải, Đình Hoàng, Đình Đồng…và các tiền vệ trung tâm Hoàng Thịnh, Văn Bình, Khắc Ngọc.
Sự trở lại của lò HAGL
Với truyền thống đào tạo trẻ khá tốt, liên tục trong thời gian dài SLNA luôn có mặt tại các đội tuyển. Nhưng lần gọi đội tuyển cho vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á, thủ môn Nguyên Mạnh, tiền đạo Tuấn Tài của SLNA chỉ có mặt ở vòng sơ loại. Lối đá của SLNA không còn phù hợp với triết lý của ông Park hay hiện tại đội bóng xứ Nghệ không có những ngôi sao đạt chuẩn của ông thầy Hàn Quốc?
Hãy quan sát 3 cầu thủ có những chỉ số kỹ thuật tốt nhất của ĐT Việt Nam thi đấu trên sânThammasat là Tuấn Anh, Ngọc Hải và Trọng Hoàng thì đã có 2 người vốn xuất phát từ lò SLNA. Nếu như khả năng chuyền bóng đã thành thương hiệu cho Tuấn Anh bấy lâu thì điều mà ông Park Hang-seo dành cho tiền vệ này chính là cải thiện khả năng đánh chặn.
Khả năng qua người của Tuấn Anh cao nhất ĐTQG đạt 83,8% thì Ngọc Hải đạt 70,6%, Trọng Hoàng 73,9% thuộc nhóm cao của đội tuyển. Đây cũng là chỉ số khiến con đường lên tuyển của tiền vệ Khắc Ngọc trở nên khó khăn. Đó cũng là điểm yếu của lò SLNA so với các cầu thủ Hà Nội, HAGL.
Hiện nay, SLNA không có mẫu tiền vệ che chắn bóng tốt, tổ chức những đường chuyền có lực vừa đủ, để đồng đội dễ nhận bóng, ít tốn sức. Trong khi đó, mặc dù các cầu thủ Hà Nội chiếm ưu thế nhưng do họ có dấu hiện quá tải nên có thời điểm ông Park tung đến 5 cầu thủ lò HAGL vào sân.
Việc Quế Ngọc Hải đá trung vệ nhưng có 34 tình huống tự tin cầm bóng qua người lý giải vì sao trung vệ Văn Khánh (SLNA) đá chính trong hàng thủ tốt nhất V.League 2019 lại không được gọi. Ông Park cần các hậu vệ biết tổ chức tấn công từ phần sân nhà thay vì phá bóng lên phía trên. Các hậu vệ SLNA như Đình Hoàng, Đình Đồng sau khi đoạt bóng thường có xu hướng chuyền ngay bóng lên tuyến trên, tỷ lệ thành công chỉ 70%.
Vẫn thấp thoáng lối đá SLNA
Việc ông Park dành lời khen khả năng tắc bóng của Tuấn Anh (7 tình huống), đánh giá cao Trọng Hoàng (4 tình huống) và Ngọc Hải (3 tình huống) đã đánh tan dư luận ông thầy Hàn Quốc không thích lối tắc bóng của lò SLNA vì mạo hiểm. Ngược lại, khả năng phòng ngự trong đó các tình huống tắc bóng thành công của tiền vệ tài hoa này được đánh giá cao. Những cú tắc bóng chính xác của Ngọc Hải, Trọng Hoàng sẽ giải nguy cho khung thành khi các cầu thủ chúng ta bị đối phương qua người.
Ông Park với triết lý xây dựng lối đá cho các đội tuyển Việt Nam dựa trên hàng phòng ngự vững chắc. Lối đá này yêu cầu các cầu thủ di chuyển không bóng khá nhiều. Đây là điểm thuận lợi bởi phần lớn các cầu thủ SLNA đều có nền tảng thể lực rất tốt, di chuyển nhiều. Nên nếu Tuấn Anh có số lần chạm bóng nhiều nhất (53 lần), Ngọc Hải (45 lần), Trọng Hoàng (42 lần)…luôn được BHL và ông Park hài lòng.
Với việc Tuấn Linh chỉ có 9 lần chạm bóng trong trận đấu, không lần nào cầm bóng uy hiếp khung thành ĐT Thái Lan cho phép cổ động viên xứ Nghệ hy vọng nhiều về ngày lên tuyển của Tuấn Tài. Trong vai trò tiền đạo ảo của SLNA số 10 này di chuyển rộng, tham gia cả phòng ngự lẫn phối hợp tấn công.
Mặc dù trên ĐTQG Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng những cầu thủ từng ở lò SLNA đang đóng vai trò trụ cột, nhưng rõ ràng cổ động viên xứ Nghệ vẫn mong muốn được chứng kiến Nguyên Mạnh, Tuấn Tài hay Khắc Ngọc lên tuyển. Những phân tích chuyên môn trên sẽ giúp cho các cầu thủ SLNA cải thiện khả năng thi đấu trên sân nhằm lọt vào mắt ông Park. Chúng ta vừa thấy một Tuấn Anh lò HAGL lột xác, liệu sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến một cầu thủ lò SLNA như thế không?