Từ người thầy tâm sáng của bản làng

Chúng tôi gặp Thò Pạ Sáu (SN 1975, trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong)vào những tháng cuối năm 2013, khi Sáu đang dạy học tại điểm lẻ Pà Khốm, Trường TH Tri Lễ 2, xã Tri Lễ, nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông. Thò Pạ Sáu có dáng người nhỏ thó, gầy gò và đậm chất bình dị núi rừng. Chúng tôi ấn tượng với người thầy này bởi lúc gặp Sáu lần đầu tiên cũng là lúc Pạ Sáu đang đốt đống lửa lớn cạnh các phòng học và đưa các em học sinh không có áo ấm mặc ra sưởi ấm.

Chính hình ảnh này sau đó đã được nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm biết đến và hỗ trợ cho các em học sinh đồng bào Mông học tại điểm lẻ Pà Khốm có áo ấm, sách vở, giày dép đến trường. Còn lúc đó Pạ Sáu là tấm gương sáng của đồng bào, bởi Pạ Sáu cũng là con cháu người Mông, cũng sống trong gia đình vất vả ở nơi khó khăn bậc nhất miền núi Nghệ An thời bấy giờ.

Vì thế, Pạ Sáu luôn dành tình yêu thương học sinh, con em đồng bào Mông. Pạ Sáu biết vượt lên mọi khó khăn để đi theo “con chữ”, mong muốn làm rạng rỡ tương lai cho chính mình cũng như làm rạng danh đồng bào Mông vùng rẻo cao Tri Lễ.

bna_38526132_2992018.jpgThò Pạ Sáu luôn là người yêu thương học trò hết mực. Ảnh: Xuân Hòa
Thò Pạ Sáu sinh ra trong một gia đình đông anh em tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Vốn trước Pạ Sáu trong gia đình cũng đã có một người anh trai từng dính vào buôn bán cái chết trắng nên phải chịu mức hình phạt cao nhất của pháp luật.
Những năm thập niên 1990 khi Pạ Sáu còn là học sinh, đường đi từ xã biên giới Tri Lễ để sang được trung tâm huyện Quế Phong quả thực là rất khó khăn khi phải vượt qua những dốc Bù Chồng Cha huyền thoại. Chưa kể đến bản Mường Lống còn là nơi xa xôi gấp bội với con dốc đỏ nay vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai từng đi qua cung đường này để lên với những bản Mông, xã Tri Lễ.

Tưởng những rằng như thế sẽ cắt ngang ước mơ theo đuổi con chữ của Pạ Sáu. Nhưng may mắn được địa phương quan tâm, gia đình ủng hộ nên Pạ Sáu đã quyết tâm xây dựng tương lai cho mình bằng giấc mơ con chữ. Năm 1999, nỗ lực học xong lớp sơ cấp sư phạm, Pạ Sáu được điều về dạy học ngay tại quê hương mình là bản Mưởng Lống, Trường TH Tri Lễ 4, xã Tri Lễ. Lúc đó, Pạ Sáu là một trong số rất ít con em đồng bào Mông, xã Tri Lễ đi theo được con chữ để làm thầy giáo nên Sáu trở thành tấm gương sáng cho bao gia đình noi theo để làm gương cho con cháu. Rồi sự nhiệt huyết với nghề, thương học trò cũng chính là con em đồng bào người Mông với Sáu nên càng được bà con tin yêu.

Với đồng bào người Mông tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong nhiều năm Thò Pạ Sáu từng là tấm gương để họ noi theo. Ảnh: Xuân Hòa

Dạy học được ít năm thì Sáu lập gia đình với một người phụ nữ ở địa phương và có một đứa con. Rồi quá trình giảng dạy tốt nên sau đó Sáu được cử đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Nhưng biến cố cuộc đời chẳng để Sáu yên khi người vợ ở nhà vì không đợi được Sáu đi học trở về nên đã đi lấy người đàn ông khác. Bị người phụ nữ má ấp tay kề với mình bỏ rơi, anh em trong nhà thì sang Lào định cư làm ăn gần hết. Ấy thế nhưng Sáu không gục ngã mà lại càng quyết tâm học tốt.

Sau khi trở về địa phương Sáu được chuyển ra dạy ở Trường TH Tri Lễ 2, ở đây Sáu tiếp tục được điều dạy điểm lẻ bản Pà Khốm - nơi quanh năm sương mù bao phủ, giá rét là thứ hành hạ lớn nhất với những học trò nhỏ người Mông thiếu ăn, thiếu mặc. Những lúc như thế Sáu lại đốt lửa quanh phòng học, liên hệ bạn bè, người quen xin đồ ấm cho những học sinh nghèo nơi đây.

Đến kẻ buôn bán cái chết trắng

Chiều ngày 22/4/2018, khi nghe tin Pạ Sáu bị bắt vì mua bán chất ma túy, người dân Pà Khốm đều bất ngờ sửng sốt. Theo bản cáo trạng, khoảng 14 giờ cùng ngày Pạ Sáu nhận điện thoại của Tủa (người Lào) đi cùng xuống xã Châu Thôn, huyện Quế Phong. Sáu đến điểm hẹn và được Tủa trả công cho 400 USD và xách ma túy xuống xã Châu Thôn.

Đến 18h cùng ngày khi nhận được lệnh của Tủa thì Pạ Sáu vừa xách bao tải ma túy lại gần chiếc xe khách mua hàng thì bị công an ập vào bắt tại chỗ. Tên Tủa nhanh chóng lao vào rừng tẩu thoát, chiếc xe khách cũng nhanh chân đạp ga bỏ chạy. Công an bắt giữ Pạ Sáu cùng tang vật là 7kg heroin và ma túy tổng hợp.

Thò Pạ Sáu bị tuyên án tử hình vì buôn bán ma túy. Ảnh: Xuân Hòa
Tháng 9/2018, vụ mua bán trái phép chất ma túy của Thò Pạ Sáu được đưa ra xét xử. Ngày xét xử có đồng nghiệp của Pạ Sáu. Người vợ chưa đăng ký kết hôn với Sáu cũng bế đứa con nhỏ mới hơn 4 tháng xuống phiên tòa. Đứa con của Sáu và chị được sinh ra sau khi Sáu bị bắt được hơn 1 tháng. Hai cha con chưa từng một lần được gặp mặt nhau.

Khi ra trước tòa, chính Pạ Sáu vẫn cho rằng mình không phạm tội mua bán ma túy mà chỉ phiên dịch cho Tủa vì Tủa không biết tiếng để lấy tiền công. Khuôn mặt của Pạ Sáu tỉnh táo suốt cả buổi xử án, lâu lâu Pạ Sáu lại ngoảnh lại nhìn đứa con thơ ở phía dưới mà gã chưa một lần nhìn rõ mặt. Nhìn đồng nghiệp ánh mắt Pạ Sáu như muốn thanh minh một điều gì đó mà khó có thể nói thành lời. Mặc dù, Pạ Sáu không chịu nhận tội mua bán chất ma túy nhưng với những chứng cứ rõ ràng HĐXX nhận định số lượng ma túy mà Thò Pạ Sáu tham gia mua bán là rất lớn, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng… và tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.

Thay với sự tỉnh táo lúc ban đầu khi đó Pạ Sáu ngoành mặt lại nhìn vợ con và đồng nghiệp. Rồi khi vợ Pạ Sáu định mang đứa con chưa một lần gã được nhìn thấy mặt lên trao cho Sáu nhưng không được phép nên bị ngăn lại. Pạ Sáu đã lấy hai tay đang mang chiếc còng số 8 sáng loáng ôm mặt khóc bước ra xe dẫn giải.

Giờ đây trên đỉnh Pà Khốm sẽ vắng bóng Thò Pạ Sáu và tấm gương năm nào cũng đã bị che mờ bởi cái chết trắng. Ảnh: Xuân Hòa
“Tôi đã cùng học lớp sơ cấp với Sáu và cũng nhiều năm dạy học với Sáu ở Trường TH Tri Lễ 4 rồi lại cùng nhau dạy học ở Pà Khốm nhưng không bao giờ tôi nghĩ Sáu sẽ dám nhúng tay vào buôn bán ma túy. Sáu hiền lành, ít nói, thương các em học sinh hết mực và cũng hòa nhã với đồng nghiệp. Thế mà…”, thầy Lương Trung Thành, đồng nghiệp dạy học cùng Sáu tại điểm lẻ Pà Khốm, Trường TH Tri Lễ 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong ngậm ngùi nói.

Từ đôi tay cầm phấn, đôi tay dìu dắt con em học sinh đồng bào Mông đi theo con chữ, đôi tay sưởi ấm những học sinh nghèo trong giá rét giờ đã bị Pạ Sáu nhúng chàm đen bởi lòng tham đồng tiền. Nếu Pạ Sáu biết suy nghĩ chín chắn hơn như bao biến cố trước đó của gia đình, có lẽ giờ đây trên đỉnh Pà Khốm thì Pạ Sáu vẫn là một ngôi sao sáng cho bà con người Mông, Tri Lễ nhìn vào… Nhưng giờ đây, tất cả đã quá muộn màng.

Rời phiên tòa, nhiều người không khỏi xót xa trước cảnh chia lìa của vợ chồng, cha con Pạ Sáu. Và hình ảnh người thầy nhóm lửa sưởi ấm học trò cứ chập chờn trước mặt lại càng khiến bao người day dứt, tiếc nuối cho sự lỡ lầm của Thò Pạ Sáu.