(Baonghean.vn)- Cử tri một số địa phương kiến nghị: Trung ương, tỉnh có chính sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc Kinh đã định canh, định cư lâu năm tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện cho phép tham gia từng người, thay cho việc phải tham gia cả gia đình vì nông dân nghèo không đủ điều kiện đóng bảo hiểm cho cả nhà.

Trả lời:

a,Theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 12 của Luật số 46/QH13 ngày 13/6/2014 của Quốc hộisửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT: Người thuộc gia đình hộ nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo đều do ngân sách đóng bảo hiểm y tế. Như vậy người định canh, định cư tại các vùng nói trên đều được nhà nước cấp thẻ BHYT.

image_2693384.jpgCấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào miền núi (Ảnh minh họa: Nguyễn Hải)

b) Tham gia BHYT theo hộ gia đình

Luật số 46/QH13 ngày 13/6/2014 của Quốc Hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015. Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội đó chính là quy định nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện trước đây thành loại hình BHYT bắt buộc tức toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú) đều phải tham gia BHYT.

Đây là một điểm mới thể hiện quyết tâm chính trị nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 21-NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ (ảnh minh họa: Minh Quân)

Về quy định khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đây là hình thức mà các quốc gia hiện nay đang thực hiện để bao phủ tỷ lệ tham gia BHYT, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Luật BHYT cũ đã quy định việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng chưa quy định bắt buộc 100% thành viên phải tham gia, nên tính tuân thủ chưa cao, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, tạo nên tình trạng lựa chọn ngược.

Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi. Người thứ 2,3,4 trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất, đảm bảo sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.

Còn những đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã được nhà được hỗ trợ mức đóng lần lượt là 100%; 70%.  Như vậy các hộ gia đình còn lại việc tham gia BHYT theo hộ gia đình như quy định tại Luật BHYT sửa đổi là phù hợp với việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020.

c) Các giải pháp trong thời gian tới

- Tăng cường công tác tuyên truyền Luật BHYT và vận động người dân tham gia. Phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình, Tỉnh đoàn, Hội phụ nữ và các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền phù hợp.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 khảo sát, điều tra việc thực hiện chính sách đối với hộ cận nghèo tại huyện Nghĩa Đàn (Ảnh minh họa: Mai Hoa)

- Cải cách thủ tục hành chính về việc mua thẻ BHYT để người dân dễ tiếp cận và sử dụng thẻ BHYT trong KCB.

-  Thực hiện các giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống Đại lý thu BHYT trên địa bàn.

- Ban hành một số chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT đối với Hộ cận nghèo, người nhiễm HIV/AIDS...

- Tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai các kỹ thuật mới ở các tuyến....nhằm đáp ứng yêu cầu KCB của người tham gia BHYT.

PV

(tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN