Hồi cuối tháng 1, Nga tuyên bố hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 sẽ được trang bị tên lửa mới chuyên đối phó mục tiêu nhỏ ở tầm thấp như máy bay không người lái (UAV). Giới chuyên gia nhận định sự kết hợp giữa Pantsir-S1 và hệ thống phòng không tầm xa S-400 sẽ tạo thành lưới phòng thủ đa tầng vượt trội hơn Mỹ và phương Tây, theo Bussiness Insider.
Mang tên gọi "Gvozd" (Đinh ốc), tên lửa mới có kích thước nhỏ bằng 1/4 đạn tên lửa 57E6 nguyên gốc của Pantsir, cho phép một ống phóng đạn chứa tới 4 quả Gvozd. Nhờ vậy, một xe chiến đấu Pantsir-S1 hoàn chỉnh có thể mang tối đa 48 quả đạn chuyên diệt UAV.
Việc đối phó UAV cỡ nhỏ mang theo thuốc nổ là vấn đề nhức nhối với các lực lượng quân đội trên thế giới. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân tại Trung Đông coi chúng là vũ khí rất hữu dụng, cuộc tập kích bằng đàn UAV vào hai căn cứ Nga ở Syria tháng trước là ví dụ điển hình cho chiến thuật này. Ngoài các hệ thống tác chiến điện tử, việc bổ sung đạn tên lửa Gvozd có thể giúp Nga tăng cường phòng thủ trước hiểm họa từ UAV tại Syria.
Hệ thống Pantsir được quân đội Nga biên chế từ năm 2012 với vai trò chủ yếu là phòng thủ điểm, tiêu diệt các mục tiêu bay thấp trong một khu vực nhất định. Hệ thống chiến đấu gồm hai pháo tự động 2A38M với 1.500 viên đạn cỡ 30 mm, có tầm bắn 4 km và tốc độ bắn tối đa 5.000 phát/phút. Mỗi xe Pantsir-S1 còn được trang bị 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ khoảng cách 20 km.
Trong khi đó, hệ thống S-400 Triumf được thiết kế để đối phó mục tiêu tầm xa, sử dụng 4 loại tên lửa khác nhau với tầm bắn 400 km. Mỗi tổ hợp S-400 có thể bám bắt và tấn công tới 80 mục tiêu cùng lúc, tạo nên ô bảo vệ cho cả một vùng địa lý rộng lớn.
Chuyên gia quân sự Ben Brimelow cho rằng sự phối hợp của S-400 và Pantsir-S1 sẽ tạo ra lưới phòng không đa tầng, trong đó S-400 làm nhiệm vụ phòng thủ từ xa trước oanh tạc cơ, tiêm kích và tên lửa đạn đạo, còn Pantsir-S1 bảo vệ chính hệ thống S-400 trước tên lửa hành trình, máy bay tầm thấp và UAV.
Đây là lý do khiến Nga triển khai cả hai tổ hợp tới Syria, nơi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chúng sẽ đảm bảo ưu thế cho không quân Nga trên bầu trời.
Chiến lược phòng không của Nga
"Điều này sẽ giúp tăng uy lực cho hệ thống phòng không. Lưới phòng thủ đa tầng luôn tốt hơn một hệ thống đơn lẻ", ông Jeffrey Edmonds, chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA), nhận định.
So với Nga, Mỹ không sở hữu hệ thống phòng thủ điểm. Chiến lược của Washington chủ yếu dựa vào tên lửa phòng không tầm trung MIM-104 Patriot, tổ hợp phòng không tự hành AN/TWQ-1 Avenger và tên lửa vác vai FIM-92 Stinger.
Chuyên gia Edmonds cho rằng Nga có hệ thống phòng không vượt trội hơn phương Tây do Mỹ chưa từng đối mặt với lực lượng không quân hiện đại có sức mạnh áp đảo. Bên cạnh đó, Moscow cũng phát triển chiến lược phòng thủ chuyên để đối phó với sức mạnh không quân của Washington.
Các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, Iraq, Libya và Nam Tư cho thấy Mỹ thích sử dụng mô hình tác chiến kiểu mới, huy động không quân phá hủy phần lớn mục tiêu và giành chiến thắng mà không cần triển khai bộ binh. "Các hệ thống phòng không đa tầng của Nga được thiết kế để ngăn chặn mối đe dọa này", ông Edmonds khẳng định.