Bơi, lặn là nội dung huấn luyện bắt buộc và thường xuyên của Cảnh sát cơ động để có thể lực, khả năng vận động, tác chiến, chống tội phạm trên mọi dạng địa hình.

images1385071_a1_1442481147_660x0.jpgHơn 2 tháng nay, Cảnh sát cơ động đang huấn luyện bơi trên sông Hương, đoạn trước UBND phường Kim Long (TP Huế). Từ sáng sớm, các chiến sĩ đã phải đến điểm tập kết, khởi động rồi ngâm mình dưới nước lạnh.
Trên bờ, các cán bộ hướng dẫn liên tục giám sát việc tập luyện của các chiến sĩ. Đây là đợt huấn luyện để trình diễn trong chương trình diễn tập ứng phó bão do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) phối hợp với tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào ngày 18/9.
Cảnh sát cơ động tập luyện bài bơi trườn sấp. Đây là kiểu bơi nhanh nhất, có tính ứng dụng cao trong thực tế chiến đấu cũng như tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu điểm của bơi trườn sấp là một phần cơ thể vươn lên trên mặt nước, một mặt hạn chế lực cản của nước, mặt khác giúp cho cơ bắp ít bị căng thẳng nên tốc độ lướt nước nhanh. Tuy nhiên, kiểu bơi này khó quan sát mục tiêu, tạo tiếng động lớn, dễ bị phát hiện cũng như khó mang vác đồ vật, quân tư trang.
Kỹ thuật bơi nghiêng với tay trái dừng ở một cử động. Vẫn vẫy so le như bơi trườn sấp nhưng kỹ thuật bơi này giúp tay giơ lên mặt nước có thể mang vũ khí, tài liệu phục vụ chiến đấu. Kỹ thuật bơi này dễ quan sát nhưng tốc độ chậm, tốn nhiều thể lực do phải giữ thăng bằng...
Chiến sĩ cảnh sát cơ động trong bài tập bơi ếch. Ngoài việc bơi đúng kỹ thuật, họ còn phải luyện tập bơi thẳng hàng ngang, hàng dọc.
Đội hình bơi vũ trang. Đây là kỹ thuật bơi ếch vận dụng, trong đó cảnh sát sử dụng tư trang và vũ khí làm bao gói như giá súng, một tay giữ bao gói, một tay cầm súng, di chuyển hoàn toàn bằng lực đạp của chân. Ưu điểm của bơi vũ trang là tính cơ động chiến đấu cao, có khả năng mang theo hỏa lực mạnh và có thể triển khai đội hình chiến đấu một cách thuận lợi. Trong chiến đấu, bơi vũ trang được áp dụng khi tác chiến vây bắt đối tượng trên sông, trên biển, khi cần tiếp cận tàu, thuyền của địch hoặc khi vượt sông, tấn công, chiếm lĩnh mục tiêu.
Chiến sĩ cảnh sát cơ động huấn luyện bơi kéo bao gói, khi dùng dây buộc vào thắt lưng để kéo theo bao gói có khối lượng lớn, được gói trong bao nilon, có thể nổi hoặc chìm trong nước tùy trường hợp cụ thể.
Các bài tập bơi cứu người đuối nước cũng được các chiến sĩ cảnh sát cơ động tập luyện thuần thục, nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Bài huấn luyện bơi ngửa - một trong những kỹ thuật bơi bí mật, áp dụng trong chiến đấu khi cần áp sát mục tiêu có sự bảo vệ nghiêm ngặt của đối phương nhằm tránh sự phát hiện. Đây cũng là nội dung bơi cảnh giới, dùng để quan sát phía sau khi đội hình hành quân tiếp cận mục tiêu, kịp thời phát hiện sự tấn công của địch để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Tình huống cứu đuối nước được đặt ra cho cả trường hợp cứu người biết bơi và không biết bơi. Theo giáo trình, nếu người bị đuối còn vùng vẫy mạnh, chiến sĩ phải dùng lời nói ổn định tinh thần cho người bị đuối, thông tin cho họ biết về phương pháp cứu đuối để họ bình tĩnh, cùng phối hợp. Còn người đuối nước đã ngất tạm thời hoặc đã chìm hẳn thì phải nhanh chóng tiếp cận, đưa họ lên mặt nước và kéo vào bờ để thực hiện các động tác cấp cứu khác.
Tất cả các kỹ thuật bơi đều được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động theo dõi chặt chẽ, chỉnh sửa từng lỗi nhỏ trước khi trình diễn. Đội ngũ hơn 200 chiến sĩ bơi thuộc các Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung bộ, Trung bộ và Tiểu đoàn 3 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Theo Vnexpress