(Baonghean) - Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng Facebook để dựng chuyện, bịa đặt thông tin hoặc thêu dệt nên các sự việc bắt cóc trẻ em không có thực, gây tác động xấu đến dư luận xã hội.

Tin đồn nhảm, hậu quả thật

Thời gian gần đây, nhiều tin đồn bắt cóc trẻ em rộ lên, được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook khiến dư luận hoang mang, đặc biệt các phụ huynh có con nhỏ luôn cảm thấy bất an, lo lắng.

Đầu tháng 7/2017, nhiều người dùng Facebook liên tục chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh người dân thị xã Cửa Lò bắt giữ 1 người phụ nữ nghi bắt cóc trẻ em. Người phụ nữ này cầm theo giỏ thuốc bắc đi bán dạo tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, vì việc bán hàng rong bị cấm ở địa phương này nên khi bị người dân dọa báo công an thì người phụ nữ hốt hoảng bỏ chạy. Thấy người phụ nữ cầm theo túi to chạy nên một số người dân nghi ngờ người phụ nữ bắt cóc trẻ em và đã hô hoán dân vây bắt.

Cùng lúc này, nhiều người quay clip trực tiếp tung lên mạng xã hội với những nội dung “bắt được một người bắt cóc trẻ em ở thị xã Cửa Lò”, “người phụ nữ bắt 2 trẻ em bỏ vào bao tải”... Ngay lập tức, thông tin giật gân kèm theo đoạn clip nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận với thái độ bức xúc, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi vào cuộc xác minh, Công an thị xã Cửa Lò khẳng định người phụ nữ này không hề có hành vi bắt cóc trẻ em mà chỉ đơn thuần đi bán thuốc bắc dạo. 

1500883796765.jpgNgười phụ nữ bị tung tin đồn bắt cóc trẻ em ở Nam Đàn. Ảnh cắt từ clip

Đây không phải lần đầu tiên ở Nghệ An xảy ra thông tin đồn thổi không đúng sự thật về hành vi bắt cóc trẻ em. Trước đó không lâu, vào ngày 24/6, trên mạng xã hội Facebook lan truyền với tốc độ chóng mặt clip người dân huyện Nam Đàn vây bắt một phụ nữ vì cho rằng người này có hành vi bắt cóc trẻ em. Trong clip, một người đàn ông ngồi đè lên người phụ nữ, kề một con dao nhọn gần cổ rồi bắt đầu tra hỏi người này về việc bắt cóc trẻ em như thế nào, đã bắt được bao nhiêu người.

Tuy nhiên, cũng tương tự như vụ việc xảy ra tại TX. Cửa Lò, công an sau đó đã khẳng định người này có tâm lý không bình thường, lang bạt từ Nam Định vào Nghệ An và không có hành vi bắt cóc trẻ em. Chỉ sau đó một ngày, người thân của người phụ nữ này đã vào Nghệ An đón về. Thế nhưng, những tin đồn đoán đó vẫn còn âm ỉ đến sau này, và nhiều người vẫn luôn cho rằng, có sự việc bắt cóc trẻ em.

Rõ ràng, ảnh hưởng của những tin đồn nhảm trên mạng xã hội lại trở thành nỗi lo hiện hữu trong cuộc sống thực, đôi khi còn để lại những hệ lụy khôn lường. Ví như việc tung tin sai sự thật về bắt cóc trẻ em gây tác động xấu đến tâm lý của nhiều bậc phụ huynh.

Hàng trăm người dân tập trung đòi đánh người phụ nữ vì cho rằng người này bắt cóc trẻ em ở Cửa Lò. Ảnh tư liệu

Chị Trần Thị Minh Trang, trú tại khối 3, phường Trường Thi (TP.Vinh) cho biết, bình thường do 2 vợ chồng tan ca muộn nên vẫn nhờ hàng xóm hoặc người quen đi đón con nhỏ học ở trường mẫu giáo; nhưng từ khi trên mạng đồn thổi nhiều thông tin bắt cóc trẻ em, chị đã xin nghỉ hẳn ca chiều để ở nhà đưa đón con. Thậm chí, chị còn chia sẻ rằng bị ám ảnh đến độ khi đèo con đi xe máy trên đường, chị cũng sợ bị kẻ xấu cướp mất con.

Còn gần đây ở tỉnh Bình Thuận, 2 nữ sinh suýt tự tử vì bị gán tội hiếp dâm trên mạng xã hội. Chỉ sau một đêm, cuộc sống của họ bỗng bị đảo lộn khi thông tin “2 nữ sinh hiếp dâm nam thanh niên tử vong” xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, kèm theo hình ảnh họ chụp cùng nhau trước đó. May mắn điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. 

Người dân cần tỉnh táo

Có thể nhận thấy động cơ của những kẻ tung tin đồn nhảm trên mạng xã hội xuất phát từ 2 yếu tố, thứ nhất là đăng thông tin bịa đặt có chủ đích, nhằm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân khác. Đối với trường hợp này, việc xác minh đối tượng gây ra hành vi và xử lý vi phạm không quá khó, lực lượng chức năng dễ khoanh vùng đối tượng. Trường hợp thứ 2, phổ biến hơn, người đăng thông tin sai lệch, thêu dệt trên mạng chỉ nhằm mục đích đơn thuần là “câu view, câu like” mà không hề ý thức được hậu quả nghiêm trọng từ việc mình làm.

Ông Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, có rất nhiều trường hợp khi bị phát hiện, bắt giữ và đối mặt với cơ quan điều tra thì mới nhận ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Từ năm 2015 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện 4 đối tượng sử dụng mạng xã hội để đưa tin xuyên tạc, sai sự thật. 

Tuy nhiên, trên thực tế, có thể con số này không dừng lại ở đó, khi thời gian gần đây liên tục có những tin đồn thất thiệt được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều đối tượng tung tin đồn vẫn lầm tưởng rằng các hành vi gây ra trên mạng ảo sẽ không bị xử lý, hoặc cơ quan chức năng khó xác minh do chúng lợi dụng công nghệ cao để ẩn danh. Tuy nhiên, tất cả các hành vi này đều bị điều tra, làm rõ, thậm chí mức hình phạt theo luật quy định hiện hành được coi là khá nghiêm minh.

Theo Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự, người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng... thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông tin bắt cóc trẻ em nhan nhản trên mạng xã hội Facebook.

Tuy nhiên, dù động cơ, nguyên nhân dẫn đến hành vi tung tin đồn nhảm trên mạng xã hội là do sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cố tình vi phạm thì đối tượng đều phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Bên cạnh đó, chính việc nôn nóng, cả tin, vội vàng nhấn nút “like, share” trên mạng xã hội của một bộ phận không nhỏ người dùng đã vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái đó.

Họ không có sự nhìn nhận chính xác, thẩm định thông tin kỹ càng, đã vội vàng chia sẻ, phát tán thông tin rộng rãi. Với sức mạnh lan truyền như vũ bão của mạng xã hội, cộng thêm tính giật gân, câu khách từ nguồn tin được cho là “hót”, tin giả đã khiến không ít người biến thành tin thật. 

Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc xử phạt nghiêm minh các đối tượng cố tình tung tin đồn thất thiệt để tăng tính răn đe, các cấp các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về ý thức tuân thủ pháp luật và nâng cao cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội. Mặt khác, chính người dân cũng cần thận trọng khi tương tác trên mạng xã hội. Trước khi nhấn nút "like", chia sẻ hay bình luận thì cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng nguồn tin. 

Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet và mạng xã hội đem lại trong thời kỳ công nghệ số. Và hiển nhiên mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận. Song, điều cần lưu ý là thông tin đưa ra phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Người dùng mạng xã hội không nên tự biến mình thành công cụ tiếp tay cho hành vi sai trái, gây nên hiệu ứng xấu, để lại hậu quả không đáng có. 

Tại khoản 2, Điều 9, Nghị định 28/2009/NĐ-CP và Điểm b, Khoản 5, Điều 6, Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN