(Baonghean) Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, các cơ sở y tế cả công lẫn tư được đầu tư xây dựng khá nhiều. Chính điều này đã tạo nên nhiều sự lựa chọn cho người dân khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tại đa số các cơ sở y tế, rác thải vẫn chưa được quan tâm xử lý đúng mức, ảnh hưởng tới sức khỏe của cư dân sống xung quanh cơ sở đó.
Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, chất thải rắn thông thường được xử lý bằng cách đốt thủ công hoặc chôn lấp. Để xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, các bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư lò đốt xử lý tại chỗ, trừ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc và Tây Nam. Nhưng để xử lý chất thải lỏng, tình trạng hoàn toàn ngược lại, bởi hiện mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu là có hệ thống xử lý nước thải chung, mặc dù đã xuống cấp. Tại các huyện khác, các cơ sở y tế chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định, nguyên nhân chủ yếu là do chưa đủ kinh phí.
Còn trên địa bàn Tp Vinh - nơi có nhiều cơ sở y tế tập trung với mật độ dân cư đông đúc, hệ thống xử lý rác thải chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đây là nguyên nhân gây nên các điểm nóng ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận. Thực trạng chung hiện nay là, hầu hết các cơ sở y tế ở Tp Vinh mới chỉ đảm nhận xử lý chất thải rắn thông thường qua hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nghệ An. Còn đối với chất thải lỏng, ngoài các bệnh viện tư nhân và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện khác chưa có hệ thống xử lý nước thải theo quy định hoặc nếu có như Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tp Vinh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thì cũng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nóng nhất vẫn là việc xử lý chất thải rắn nguy hại, từ tháng 10/2011 trở về trước, các cơ sở y tế trên địa bàn Tp Vinh xử lý tập trung tại lò đốt Hoval của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với công suất 400 -500 kg rác/ngày. Tuy nhiên do sử dụng trên 10 năm, lại vận hành quá tải, lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại "độc nhất" ở Tp Vinh đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm đương nổi số lượng rác cần xử lý, các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường khi vận hành cũng không đảm bảo.
Trong cuộc làm việc giữa HĐND tỉnh và UBND Tp Vinh về công tác quản lý, bảo vệ và xử lý ô nhiễm trên địa bàn thành phố ngày 16/4/2012, vấn đề xử lý chất thải rắn y tế được các cấp, các ngành của UBND Tp Vinh nêu ra một cách bức thiết, các thành viên trong đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Trung tá Trần Đình Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát Môi trường Công an Tp Vinh cho biết: Nhu cầu xử lý chất thải rắn y tế là rất lớn do địa bàn thành phố tập trung nhiều cơ sở y tế. Trong khi đó, việc xử lý các chất thải này phụ thuộc hoàn toàn vào lò đốt đã xuống cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nên dẫn đến tình trạng quá tải. Các loại chất thải này đã "tìm đường" lọt ra bên ngoài, bán cho các cơ sở thu mua, tái chế nhựa. Các sản phẩm tái chế từ loại rác thải này gây hậu quả xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu mua phải.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực y tế chỉ là một trong nhiều vấn đề môi trường bức thiết được đặt ra thông qua đợt giám sát của HĐND tỉnh vừa qua. Hy vọng, thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường rác thải ở các cơ sở y tế một cách hiệu quả.