Các lĩnh vực đều cần bổ sung nhân lực
Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam từ đầu năm 2020, các doanh nghiệp du lịch ở Nghệ An bắt đầu rơi vào cảnh hoạt động khó khăn, nhất là những thời điểm thực hiện cách ly, phong tỏa phòng, chốn dịch. Các khu, điểm du lịch phải tạm dừng hoạt động, các đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh để tồn tại.
Phần lớn người lao động trong các đơn vị kinh doanh du lịchhơn hai năm qua bị mất việc làm, giảm thu nhập, nhiều người phải chuyển sang các ngành nghề khác để lao động, kiếm sống. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về số lượng, tỷ lệ người lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc, tìm việc làm khác nhưng chắc chắn con số này không nhỏ. Bởi đây cũng là tình trạng chung trên phạm vi cả nước, là một góc trong bức tranh ảm đạm của ngành Du lịch thời gian qua.
Trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch, lĩnh vực lưu trú hiện đang gặp khó khăn lớn nhất về nguồn nhân lực. Vì các khu, điểm du lịch, dịch vụ và đơn vị lữ hành thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng và trao đổi nhân lực, quá trình vận hành người lao động sẽ dần thích nghi.
Còn với lĩnh vực lưu trú đòi hỏi số lượng lao động lớn, người lao động phải qua trường lớp đào tạo (lễ tân, buồng, bàn, bếp) nên không thể giải quyết việc thiếu hụt trong một sớm một chiều. Theo ông Đinh Trung Kiên - Phó Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Kim Liên, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách giảm, thiếu việc làm nên một số người lao động đã tự nguyện nghỉ việc.
Nay hoạt động du lịch được khôi phục, mở cửa, nếu thời gian tới lượng khách tăng lên mức 50% đơn vị có thể điều động luân phiên giữa các cơ sở để phục vụ. Nhưng nếu lượng khách tăng lên 70% chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nhân lực sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.
Nói các điểm đến và công ty lữ hành thuận lợi hơn trong tuyển dụng lao động không có nghĩa là hai lĩnh vực này không quá lo lắng trước vấn đề này. Khu du lịch Sinh TháiHòn Mát (Nghĩa Đàn) được xây dựng và khai thác, sử dụng chưa lâu và đã thu hút được lượng khách đáng kể, bước đầu khẳng định điểm đến hấp dẫn.
Nhưng theo ông Đặng Trọng Tấn - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và du lịch Hòn Mát thì các vị trí lao động ở đây liên tục biến động, nhất là bộ phận đầu bếp và lễ tân. Nguyên nhân do người lao động chuyển việc, tìm kiếm cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn và do những nhu cầu khác của cuộc sống. Vì thế, việc tuyển dụng đã khó, giữ chân người lao động còn khó hơn.
“Nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đang cần bổ sung ở hầu hết các lĩnh vực, bởi lâu nay chưa có chế độ đãi ngộ và thu hút, các hợp đồng đào tạo chưa có tính bền vững giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Điều này không những cần sự quan tâm của doanh nghiệp mà cần sự vào cuộc của các ngành liên quan, của Nhà nước để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Nâng cao năng lực, đa dạng hóa hình thức đào tạo
Từ thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, các đơn vị kinh doanh du lịch đang nỗ lực xây dựng giải pháp để ổn định, phát triển hoạt động kinh doanh. Theo ông Đinh Trung Kiên, Khách sạn Sài Gòn Kim Liên sẽ tiếp tục tuyển dụng, mời các chuyên gia về đào tạo cấp tốc, kịp thời phục vụ nhu cầu trước mắt.
Đồng thời, kiến nghị Sở Du lịch thường xuyên tổ chức mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đây cũng là hướng đi chung của các cơ sở lưu trú, điểm đến và đơn vị lữ hành trong thời điểm hiện nay.
Còn về lâu về dài, theo ông Nguyễn Đức Hiển, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo nghề du lịch gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến. “Hiện nay, ngành Du lịch cần rà soát tổng thể thực trạng nguồn nhân lực du lịch, đánh giá hiện trạng thất thoát nhân lực trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Từ đó, có chính sách thu hút, khuyến khích, thu hút người lao động trở lại làm việc” - ông Hiển nói. Tiếp đến, xây dựng cơ chế đãi ngộ và thu hút nguồn lao động chất lượng cao, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác liên ngành trong công tác đào tạo, cử sinh viên và người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến để phát triển du lịch.
Mới đây, tại Hội nghị Triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch và đón khách quốc tế trở lại Nghệ An, vấn đề nguồn nhân lực được các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi.
“Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn lao động, trước mắt cần đa dạng hóa các phương thức đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Tiến hành các hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bổ sung kỹ năng cho đội ngũ nhân lực hiện có; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng du lịch cộng đồng, nghiệp vụ kinh doanh cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống; tăng cường phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số…”.