Sau vụ "hiệp sĩ" Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi) bị đâm chết bởi nhóm tội phạm diễn ra tối 13/5, đã có cả nghìn lượt bình luận của độc giả gửi về.
Họ đặt ra nhiều vấn đề: người tham gia truy bắt tội phạm có được đãi ngộ xứng đáng hay không; 2 "hiệp sĩ" tử vong có xứng đáng được phong tặng liệt sĩ không; cần nhân rộng mô hình các câu lạc bộ "hiệp sĩ" hay giải tán; Công an TP.HCM có nên thành lập lực lượng 141 như ở Hà Nội...
Xả thân bắt cướp phải được đãi ngộ thỏa đángChia sẻ với phóng viên, trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học nói năm 2017, Bộ Công an đã từng lấy ý kiến về việc xây dựng quỹ phòng chống tội phạm Trung ương. Trong đó có quy định về việc thưởng nóng 5 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng đối với tập thể có thành tích phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định nào rõ về chế độ đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Do đó, khi xảy ra những tổn thất, việc vận dụng các quy định để hỗ trợ người dân còn gặp lúng túng.
"Đối chiếu với Pháp lệnh ưu đãi người có công, tôi thấy cần xác nhận liệt sĩ với những công dân hy sinh khi tấn công bắt giữ tội phạm, như trong vụ án vừa xảy ra", ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm trên, nhiều độc giả cũng cho rằng hai "hiệp sĩ" tử vong khi bắt cướp xứng đáng được tôn vinh và truy tặng danh hiệu liệt sĩ.
"Các anh đã dũng cảm hy sinh, vì người dân mà quên đi bản thân. Nhà nước phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, trợ cấp cho người thân của hai "hiệp sĩ" đã hy sinh. Không thể để vợ con và gia đình các anh chịu thiệt thòi được", độc giả Mai viết.
Độc giả sử dụng nickname Nguoi thanhbình luận: "Mong báo chí đưa thông tin rõ và cụ thể về gia cảnh của các anh "hiệp sĩ", trong đó có 2 anh xấu số để bạn đọc ở xa tiện liên hệ ủng hộ gia đình các anh. Chúng ta nên chung tay ủng hộ vì các anh đang làm việc nghĩa. Họ đều vất vả mưu sinh nhưng tính nghĩa hiệp cao cả, đáng được mỗi chúng ta trân trọng và có những hành động thiết thực".
Theo bạn Vũ Thanh, nếu không phong tặng danh hiệu và có trách nhiệm với những "hiệp sĩ" dũng cảm thì mọi người sẽ tiếp tục duy trì sự thờ ơ với an ninh trật tự.
Mô hình 141 (gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự) của Hà Nội ra mắt vào tháng 8/2011. Ngay sau khi hình thành, lực lượng đặc biệt này trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều giang hồ mang theo hung khí và có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Hơn một năm sau (tháng 12/2012), một tờ báo điện tử có đưa bài về buổi chất vấn tại HĐND TP.HCM về tình hình an ninh trật tự, trong đó, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM khẳng định "TP.HCM chưa cần lực lượng 141 như Hà Nội". Tướng Minh cho rằng: "Ở Hà Nội có quá nhiều đầu gấu sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ nên phải có lực lượng hỗ trợ. TP.HCM chưa đến mức đó nên chưa cần có lực lượng này".
Và đến hôm nay, khi sự việc 2 "hiệp sĩ" bị nhóm trộm đâm chết ở Sài Gòn, câu chuyện thành lập lực lượng 141 tại TP.HCM lại được độc giả nhắc đến khi đưa ra những lời bình luận sau mỗi bài viết.
Độc giả Hồng Loan cho rằng với tình hình cướp giật nhan nhản trong nhiều năm qua, lẽ ra TP.HCM phải lập đội liên ngành 141 như Hà Nội đã làm.
"Họ là lực lượng chính quy, được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ, võ nghệ giỏi, có quyền lực khám xét, trấn áp. Họ khiến bọn tội phạm phải e dè nhiều phần", nữ độc giả nhận định.
Lên tiếng về sự việc, Hungkd viết: "Một câu hỏi dành cho lãnh đạo Công an TP.HCM là đã đến lúc TP cần thành lập đội 141 như ở Hà Nội được chưa vậy". Cùng với chủ đề trên, độc giả có nick 1quatao9chia sẻ rằng sống ở TP.HCM thật đáng sợ. "Cần lập ngay tổ liên ngành 141 đi. Hà Nội đã rất thành công rồi, đừng để dân đi bắt cướp cho công an", độc giả viết.
Cái chết của chàng trai 29 tuổi khi sắp lập gia đình và sự ra đi mãi mãi của ông bố 42 tuổi để lại con thơ trên cõi đời khiến không ít độc giả xót thương. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra nên duy trì hay cần giải tán các câu lạc bộ hoạt động theo mô hình "hiệp sĩ".
Trả lời báo chí sáng 15/5, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM nói: "Không phải ai cũng đủ tư cách để làm "hiệp sĩ"". Theo ông, "hiệp sĩ" phải được bồi dưỡng về pháp luật, phải hiểu mình được phép làm gì, quy chế đó cho phép mình làm gì khác công dân bình thường, được trang bị gì.
Theo phân tích của tướng Minh, các đội "hiệp sĩ" cần phải tự vệ nhưng họ không được phép sử dụng công cụ hỗ trợ. "Không phải ai muốn trở thành "hiệp sĩ" đều đủ tư cách, phải xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng về việc này. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có gì cả", vị Phó giám đốc Công an TP.HCM chia sẻ.
Trong khi độc giả Diem Transuy nghĩ: "Hiệp sĩ" đường phố, chuyện bắt cướp, bắt tội phạm không phải việc của các anh đâu..." thì thạc sĩ chuyên ngành luật quốc tế Phạm Thanh Tùng thẳng thắn là nên xóa bỏ các nhóm "hiệp sĩ" tự phát.
"Dưới góc độ triết học pháp quyền và triết học xã hội, cơ quan công quyền là thế lực đại diện duy nhất được sử dụng vũ lực để bảo vệ người dân. Việc người dân tham gia vào xã hội coi như là người dân đã ký vào một bản hợp đồng từ bỏ quyền sử dụng vũ lực. Người dân phải xuống đường thực thi công lý là thể hiện sự bất lực của cơ quan chức năng", ông Tùng nhận định.
Trái với quan điểm trên, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu lại cổ vũ và nhân rộng phong trào "hiệp sĩ". Vị trung tá cho rằng trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, trách nhiệm bảo vệ bình yên cuộc sống không thể chỉ do một lực lượng đảm nhận, mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân phải là một chiến sĩ trong mặt trận bảo vệ an ninh trật tự.
- Tối 13/5, nhóm “hiệp sĩ” đường phố gần chục người phát hiện nhóm tội phạm đang bẻ khóa một xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3). Nhóm "hiệp sĩ" vây bắt nghi can thì bị họ rút dao chống trả. Sau sự việc, 2 "hiệp sĩ" tử vong, 3 người khác phải nhập viện cấp cứu.
- Ngày 15/5, Công an TP.HCM có buổi họp báo và công bố đã bắt được 2 nghi phạm liên quan vụ giết người gồm: Nguyễn Tấn Tài (còn gọi là Tài "mụn", 24 tuổi, ngụ quận 12) và Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ Hóc Môn).