Chiều 16/10, UBND tỉnh tổ chức Họp sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 2355 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An.
Số lượng trang trại và HTX tăng nhanh
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,4%, cao hơn bình quân toàn tỉnh (toàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2018 ước tăng 8%). Huy động nguồn lực thực hiện chương trình NTM đạt 2.480 tỷ đồng, đã có 51/203 xã ở miền Tây đạt chuẩn NTM. Nhiều mô hình mới đem lại hiệu quả về thu nhập cho nông dân.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, đã thu hút được 163 dự án với 64.100 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký đầu tư vào khu vực miền Tây Nghệ An. Một số dự án sản xuất quan trọng đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo năng lực mới, như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP thực phẩm TH, Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Anh Sơn; các nhà máy chế biến đá trắng, đá xẻ, đá ốp lát ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 638,5MW đã phát điện…
Hết năm 2017, trên địa bàn miền Tây Nghệ An có 3 khu công nghiệp tập trung đã phê duyệt quy hoạch chi tiết là KCN Nghĩa Đàn (245,68 ha), KCN Sông Dinh (301,65 ha), KCN Tân Kỳ (600 ha)...
Cùng đó, hình thành nhiều điểm du lịch mới hấp dẫn như: Vườn quốc gia Pù Mát, du lịch sinh thái Phà Lài - Khe Khặng, du lịch Thác Khe Kèm, Thác Sao Va, Hang Bua - Thẩm Ồm...
Số lượng trang trại và HTX trên địa bàn miền Tây tăng nhanh, đến nay các huyện miền Tây có 227 HTX, tăng 48 HTX so với 2012 và bằng 33,3% số HTX trên địa bàn toàn tỉnh.
5 năm qua đã thành lập mới 137 trang trại, nâng số trang trại khu vực miền Tây lên 186 trang trại, tăng 279,6% so với năm 2012. Hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt được bảo vệ và phát triển tốt. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa khởi sắc, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Tuy nhiên, 5 năm qua nhiều dự án ở miền Tây còn chậm tiến độ, nhiều dự án định canh, định cư chưa thật sự hiệu quả; định cư sau phát triển thủy điện chưa thật sự ổn định, các cụm công nghiệp chưa hiệu quả…
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo phát triển kinh tế miền Tây và các sở, ban, ngành đã cho ý kiến về thực hiện đề án.
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nêu ý kiến: Sau 5 năm thực hiện Quyết định 2355, Sở NN&PTNT nhận thấy nhiều đề án, chương trình thực hiện chưa hiệu quả. Ví như Sở NN&PTNT có 9 đề án, 10 dự án, tất cả được phê duyệt và không có nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh đó, sự tham gia của doanh nghiệp còn hạn chế. DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thiếu chính sách, không thực hiện được.
Một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần đánh giá lại tác động của thủy điện đối với miền Tây.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Minh Thông khẳng định: Miền Tây Nghệ An hiện nay phát triển khá mạnh, có nhiều sản phẩm tiêu thụ khá như chanh leo, chè, mía đường, bò sữa. Vấn đề đặt ra là cần trăn trở phát triển thêm các sản phẩm khác nữa để khai thác hiệu quả tiềm năng.