Hội nghị diễn ra trong 1 ngày với hình thức trực tuyến và có sự tham gia của tất cả hiệu trưởng, kế toán và đại diện của hơn 1.000 trường học ở 21 huyện, thành thị.

bna_image_501441_5112019.jpegĐây là lần đầu tiên một hội nghị trực tuyến về công tác thu chi được triển khai trên quy mô toàn ngành. Ảnh: Mỹ Hà

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về những vướng mắc trong quá trình thu chi trong các nhà trường, tập trung  vào các nhóm thu theo quy định (tiền bảo hiểm y tế, dịch vụ giữ xe, tiền học phí), nhóm thu thỏa thuận (tiền bán trú, tiền học trong ngày nghỉ, học nghề, tiền học 2 buổi/ngày, tiền nước uống) và nhóm thu tự nguyện (gồm tiền tài trợ giáo dục, huy động tiền quỹ đoàn, quỹ đội, nguồn của đại diện cha mẹ học sinh).

Hiện ở các địa phương, đa phần các trường đều triển khai các khoản thu đầu năm nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc huy động đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu tiền dạy học 2 buổi/ngày. Thực tế, trên toàn tỉnh, nhiều địa phương khó triển khai khoản thu này, vì vậy các địa phương vẫn phải dạy học dựa theo số lượng giáo viên thực có ở các nhà trường. Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra và nhiều nơi chưa đảm bảo đủ số tiết theo yêu cầu giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Hội nghị cũng tập trung vào phân tích những tồn tại trong công tác thu chi hiện nay, khi vẫn có một số trường trên địa bàn tỉnh vẫn có tình trạng lạm thu, thu sai quy định. Kiểm tra gần đây của Sở cũng cho thấy, hiện rất nhiều trường chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền các chính sách, chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai các khoản thu theo đúng Thông tư 36 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng cho rằng: Hiện nay, công tác quản lý thu chi, sử dụng tài khoản công ở các nhà trường vẫn đang còn nhiều bất cập. Vì thế, càng đòi hỏi lãnh đạo và đội ngũ quản lý nhà trường cần phải công tâm, trung thực, chuyên nghiệp trong quản lý tài chính.

Lãnh đạo Sở cũng chia sẻ về những  khó khăn của các thầy giáo, cô giáo trong quá trình thực hiện các khoản thu. Vì thế, thông qua hội nghị này lãnh đạo ngành muốn các đại biểu tham dự chia sẻ thẳng thắn và đề xuất những giải pháp tích cực để việc quản lý thu chi tài chính có hiệu quả và thực hiện đúng theo các văn bản hiện hành.

Bên cạnh đó, cũng cần phải bàn bạc đề xuất các khoản thu dịch vụ giáo dục (như tiền dạy kỹ năng sống, tiền dạy các chương trình Tiếng Anh tăng cường, dạy Stem, dạy thêm học thêm...) để Sở làm căn cứ lập tờ trình, thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh. Đây cũng chính là nội dung quan trọng mà Luật Giáo dục (sửa đổi) mới được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020. 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm hiểu về một tiết dạy Stem ở Trường Tiểu học Lê Mao,Thành phố Vinh . Ảnh: Mỹ Hà

Theo đó, trong thời gian tới, dự kiến một số khoản thu dịch vụ giáo dục sẽ có quy định cụ thể để việc triển khai các khoản thu được hiệu quả, đúng theo quy định, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới và từng bước giảm áp lực cho các nhà trường.

Thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thu dịch vụ giáo dục (như kỹ năng sống, dạy thêm học thêm...) nhưng còn theo hình thức thỏa thuận và chưa đồng bộ giữa các cấp học và các nhà trường.  Vì thế, việc thống nhất các khoản thu dịch vụ giáo dục do UBND tỉnh quy định là việc làm cần thiết giúp cho việc quản lý thu chi tài chính trong ngành giáo dục rõ ràng, minh bạch hơn.