Dù que test (hay còn gọi là test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2), là loại vật tư y tế phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, thế nhưng, thời gian gần đây, ngoài việc được bán tại cửa hàng vật tư y tế, mặt hàng này gần như đã được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, với nhiều loại giá khác nhau khiến cho người dân cảm thấy thực sự băn khoăn.
Một hội chợ bán que test được lập trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: Tiến Đông Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại nay, do công việc thường xuyên phải ra ngoài, đi chợ và tiếp xúc nơi đông người, chị Ngô Ngọc Anh (trú tại phường Trường Thi) đã đến hiệu thuốc mua 1 hộp que test nhanh Covid-19 về dùng. Tuy nhiên, điều mà chị cảm thấy băn khoăn là cùng một loại que test nhanh Covid-19 đó, mới hôm trước chị ra hiệu thuốc mua có giá 75.000 đồng/bộ, nhưng hôm sau có người rao bán chỉ hơn 50.000 đồng/bộ, thậm chí có người còn bán 40.000 đồng/bộ.
"Không biết cái nào là đúng, cái nào là hàng fake nữa" - chị Anh nói.
Hiện nay, gần như hiệu thuốc, cửa hàng vật tư y tế nào cũng bày bán que test Covid-19. Ảnh: Tiến Đông Chị Trần Thị Hà (giáo viên, trú tại phường Quang Trung), thì còn cẩn thận hơn khi mua nhiều loại que test về dùng, có cả loại của Trung Quốc, Hàn Quốc và của Pháp.
Chị Hà cho biết: "Hôm đi ra hiệu thuốc mua thì người ta cũng tư vấn cho mình nên mua loại nào, độ nhạy ra sao. Tuy nhiên, về thấy trên mạng họ còn bán nhiều loại khác, thậm chí có cô trong trường cũng rao bán loại order (đặt hàng) từ nước ngoài về, giá lại rẻ hơn loại mua ở hiệu thuốc nên cũng mua thêm, chứ thực ra bản thân mình không biết nó có chính xác hay không"?
Chị Hà cho biết, hôm sau Tết, thấy số ca mắc nhiều quá nên sau mỗi buổi đến trường về là chị lại nhờ người nhà ngoáy mũi cho mình để test.
Hiện nay, rất nhiều loại que test được cấp phép lưu hành, khiến cho người dân như lạc vào một ma trận que test. Ảnh: Tiến Đông Do nhu cầu sử dụng que test tăng lên nên gần như cửa hàng kinh doanh thuốc, vật tư y tế nào cũng nhập các loại que test, khẩu trang về bán đã đành, rất nhiều người dùng mạng xã hội cũng đăng tin rao bán que test.
Từ cán bộ, công nhân, viên chức, những người bán hàng online, cho đến giáo viên, thậm chí những người chuyên bán rau, quả, bán thực phẩm cũng rao bán que test.
Người dân đi chọn mua que test. Ảnh: Tiến Đông Tuy nhiên, điều đáng ngại là, nếu khi thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế, vật tư phục vụ cho việc xét nghiệm sau khi tiến hành xong đều được phân loại và bỏ vào túi đựng chuyên dụng và đem đi tiêu hủy. Thế nhưng, khi thực hiện test nhanh tại nhà, các dụng cụ này được xử lý như thế nào mới là điều quan trọng.
Chị H (trú tại phường Bến Thủy), vừa khỏi
Covid-19 khi được hỏi đã xử lý như thế nào với các loại que test, vật tư trong suốt quá trình mình bị mắc bệnh đã tỏ ra khá bất ngờ với vấn đề mà chúng tôi đề cập. Thậm chí chị H cũng không nhớ là ngày đầu tiên test cho kết quả dương tính, chị đã vứt rác như thế nào.
Điều đáng ngại nhất hiện nay là nhiều người tự mua que test về nhà, khi phát hiện mình bị mắc Covid-19, sau đó rác thải, các mẫu bệnh phẩm lại bỏ chung với rác sinh hoạt. Ảnh: Tiến Đông Có thể thấy, việc cho phép test nhanh và điều trị Covid tại nhà là chủ trương phù hợp với tình hình hiện nay, dù dịch bệnh bùng phát, nhưng do đã được tiêm vắc- xin mũi 2 và mũi 3 nên diễn biến bệnh không quá nặng, nhiều người có thể tự khỏi trong vòng 5-7 ngày.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, việc người dân lo lắng tự đi mua que test về kiểm tra là điều không tránh khỏi, nhưng quan trọng là phải chọn mua được các loại que test đảm bảo chất lượng, đồng thời cần phải xử lý rác thải một cách cẩn thận, nghiêm ngặt, tránh để virut SARS-CoV-2 phát tán, lây lan ra môi trường xung quanh.
Ngày 28/12/2021, Bộ Y tế đã có công văn cho phép các địa phương, đơn vị dùng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định các ca mắc Covid-19. Sau khi test nhanh xong, tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi này phải dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2", để nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào rác thải sinh hoạt thông thường.